Tiếp nhận ý kiến của dân
Tại cuộc làm việc với Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ngày 24/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thái độ của chúng ta rất rõ ràng, không bao che, dung túng cho những sai trái, đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải nghiêm túc bảo vệ môi trường sống cho nhân dân”.
Đó chính là sự kiên quyết của Chính phủ bảo vệ môi trường bền vững trong quá trình phát triển kinh tế. Vì rằng, thời gian qua, vấn đề môi trường đã thực sự là một thách thức.
Rác thải gây ô nhiễm vùng cửa biển.
Câu hỏi đặt ra là: Trong quá trình phát triển, làm gì để bảo vệ môi trường?
Từ trước tới nay chúng ta đã có 3 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó đề cập tới sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát. Xin điểm qua về nội dung này trong từng luật.
Thứ nhất, trong Luật BVMT năm 1993, không có điều khoản quy định về sự công khai, minh bạch thông tin. Còn sự tham gia của người dân chỉ được khuyến khích trong phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phổ biến kiến thức và pháp luật về BVMT.
Thứ hai, tại Luật BVMT 2005, yếu tố quản trị và sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát việc thực thi pháp luật về BVMT được thể hiện khá cụ thể: Người dân có quyền tham gia vào quản lý và giám sát việc thực thi pháp luật thông qua các hình thức họp dân, gửi văn bản, đối thoại theo yêu cầu của dân, nhất là trong quá trình thẩm định báo cáo tác động môi trường.
Luật cũng quy định trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước trong tiếp thu ý kiến từ đối thoại với dân.
Thứ ba, trong Luật BVMT 2014, đáng chú ý là quy định về vai trò của người dân là giám sát trực tiếp tình trạng môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đối thoại với chủ của các cơ sở liên quan.
Nhưng trên thực tế, từ những sự cố ô nhiễm môi trường thời gian qua cho thấy vai trò tham gia của người dân vào quản lý và giám sát môi trường chưa đạt được kết quả.
Điều này có nguyên nhân ở việc chưa có khung pháp luật chi tiết cho sự tham gia giám sát của người dân, chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện.
Đáng kể hơn nữa chính là không có điều khoản buộc chủ các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm giải trình. Điều đó dẫn tới việc vô hiệu hóa vai trò giám sát của người dân.
Có thể dẫn chứng vụ việc tại Công ty cổ phần Nicotex Thành Thái (đóng tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) chôn lấp gần 1000 tấn chất thải nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật tại trụ sở công ty, làm môi trường đất bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe người dân địa phương.
Hành vi chôn lấp trái phép này đã được người dân phát hiện từ năm 1999, với những kiến nghị bằng văn bản của dân gửi chính quyền các cấp của tỉnh này nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Tới năm 2013, khi sự tố cáo từ người dân lại một lần nữa bùng lên thì chính quyền địa phương mới vào cuộc nhưng lại xử lý theo cách phạt vi phạm hành chính và không khởi tố vụ án hình sự.
Thời gian qua, người dân nhiều nơi rất bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy đóng trên địa bàn gây ra. Nhưng đáng tiếc là ý kiến của họ đã không được tôn trọng, hoặc chính quyền có nghe nhưng rất chậm xử lý, nhiều trường hợp xử lý rất nhẹ theo kiểu có cũng như không càng khiến người dân bức xúc và môi trường vẫn tiếp tục bị hủy hoại.
Trong khi Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt BVMT thì nhiều địa phương lại coi nhẹ việc này. Với chủ trương “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư với mong muốn cháy bỏng tỉnh mình, huyện mình phải giàu thật nhanh nên đã dẫn tới việc ưu ái quá mức cho doanh nghiệp, từ đó phá hỏng môi trường.
Chính quyền ưu ái doanh nghiệp, ý kiến người dân lại không được tôn trọng, sự việc theo thời gian tích tụ dần cho đến lúc bùng phát thành sự cố. Khi đó việc giải quyết hậu quả là rất khó khăn.
Đối với nhà máy gây ô nhiễm xử thế nào? Phạt tiền hay là đóng cửa? Đền bù cho dân ra sao? Khôi phục môi trường thế nào? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà sự trả lời cho từng vấn đề đều không thể thỏa đáng vì “việc đã rồi”.
Ngay như sự cố môi trường biển Bắc Trung Bộ do Formosa gây ra, cho dù doanh nghiệp này đã xin lỗi nhân dân Việt Nam, tình nguyện đền bù 500 triệu USD và phía Chính phủ hết sức nỗ lực giải quyết hậu quả, thì hệ lụy của nó vẫn rất lớn.
Gần đây nhất là vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có giấy phép từ Bộ TNMT cho phép nhấn chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống khu vực biển Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cũng đã dấy lên sự lo ngại từ phía công luận, các nhà khoa học và người dân địa phương.
Đáng chú ý, trong sự việc này lại có sự thiếu minh bạch khi đưa tên một số người vào danh sách tư vấn trong khi họ không hề hay biết. Cùng đó, vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này lại cũng chính là người điều hành công ty tư nhân có liên quan, theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Với một dự án liên quan trực tiếp đến môi trường biển nhưng có sự thiếu minh bạch như vậy thì hậu quả xảy đến cũng không có gì khó hiểu. Lúc bấy giờ lại lo xử lý theo kiểu cầm lưỡi dao thay vì phải nắm cán dao.
Không nghiêm túc từ đầu khi tính toán tác động môi trường chính là nguyên nhân cho những sự cố ô nhiễm. Vai trò, trách nhiệm tư vấn của cơ quan chuyên môn không đầy đủ.
Cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương không kiên quyết buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống xử lý xả thải vẫn để cho nhà máy đi vào hoạt động. Và trên hết, tiếng nói của người dân đã không được lắng nghe.
Quy định của pháp luật là có, nhưng lại thiếu chế tài, cơ chế để theo đuổi đến cùng nên đã dẫn đến sự không cân sức trong cuộc chiến BVMT giữa một bên là người dân còn bên kia là doanh nghiệp.
Nói như GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT thì việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này không phải là một nhu cầu khẩn thiết, mà điều quan trọng hơn là việc thực thi pháp luật, tạo được cơ chế rõ ràng để người dân có thể tham gia.
“Nếu chính quyền thực sự muốn nghe dân thì hãy mở mọi cánh cửa, sử dụng mọi loại phương tiện để tiếp nhận ý kiến của dân, đồng thời với đó là sự tiếp thu và giải trình.
Khi ấy, sự nghiệp BVMT chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu lớn lao và giúp tránh được những sự cố, thảm họa môi trường đáng tiếc như đã xảy ra trong thời gian vừa qua”- ông Võ nói.
Ông Võ cũng cho rằng trong lĩnh vực BVMT cần 3 điều kiện để người dân tham gia: Thứ nhất là công khai, minh bạch thông tin quản lý và thực hiện quyền của dân về tiếp cận thông tin.
Thứ hai là tạo cơ chế được pháp luật quy định về cách thức cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin từ sự tham gia quản lý và giám sát của người dân. Và thứ ba là trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước trước các ý kiến của dân.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 có một chương riêng quy định về chức năng phản biện và giám sát của Mặt trận. Khi giám sát được tăng cường, ý kiến người dân được tôn trọng, trách nhiệm giải trình phải được thực hiện thì hy vọng về một môi trường sạch sẽ mới được nhen lên.