Linh thiêng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn
Địa danh Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh) ngày nay được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh).
Nơi đây ghi đậm cuộc chiến đấu kiên cường ngày 17/2/1979 ở Đồn CANDVT 209 - Đồn BP Pò Hèn cùng công nhân Lâm trường và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm, những người con bất tử của Tổ quốc.
Ở nơi khí thiêng đã trở nên bất tử đó, cứ vào ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu của trận chiến đấu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, viết tiếp những trang sử hào hùng của lực lượng Biên phòng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Đó là những tấm gương sáng để soi đường cho các thế hệ trẻ tiếp bước noi theo.
Vào dịp đó, các cựu chiến binh từ khắp nơi đổ về thắp nén hương thơm tưởng nhớ anh linh đồng đội.
Điều đó khẳng định ngọn lửa tháng 2 năm ấy còn cháy mãi trong tim bao người bởi khi còn sống, mảnh đất biên cương này đã in dấu chân các anh trên đường tuần tra biên giới.
Ngày các anh ngã xuống tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ đã được khắc ghi tại nơi này để lưu truyền cho đến mãi mãi mai sau.
Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh làm chủ đầu tư được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010 nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, là công trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc.
Nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, nổi bật là Đài tưởng niệm cao 16m bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng, ở 2 bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá xanh khắc ghi tên 86 liệt sĩ đã hy sinh tại nơi này từ ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới cho đến nay.
Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 CBCS đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979.
Nhà lưu niệm trong Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Đài tưởng niệm với kiến trúc hiện đại cùng với 2 nhà bia và nhà lưu niệm với nét kiến trúc cổ kính trong không gian linh thiêng, sâu lắng đã minh chứng cho khí phách hào hùng của các chiến sĩ biên phòng và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh trên mảnh đất phên dậu ở Đông Bắc của Tổ quốc.
Hiện ở đó có CBCS Đồn Biên phòng Pò Hèn hàng ngày thắp hương, quét dọn, tu sửa cảnh quan và tiếp đón những du khách đường khi tới cao điểm đặc biệt này trên biên cương vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Đại tá Lê Tiến Thanh, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh ngày đó chia sẻ: Pò Hèn là di tích lịch sử tiêu biểu nhất trên mảnh đất biên cương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc không riêng của tỉnh Quảng Ninh mà là của lực lượng BĐBP Việt Nam.
Bởi trong những ngày đó lực lượng CANDVT Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm vào tuổi 20 (lực lượng CANDVT, nay là BĐBP được thành lập ngày 3/3/1959)…
Tháng 3/2014, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh gồm: Cụm đài tưởng niệm, nhà bia, nhà lưu niệm truyền thống được xây dựng trên nền của Đồn CANDVT 209 năm xưa và toàn bộ cảnh quan nơi đây.
Trong những ngày tháng 7 này, rất nhiều đoàn CCB và du khách mọi miền của đất nước đã đi theo đường tuần tra biên giới từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh để lên đến Pò Hèn, cùng thành kính dâng hoa, thắp hương tri ân các liệt sĩ…