Vụ ‘Nhà máy thép Việt – Pháp’: Di dời trước năm 2019

Tấn Thành 26/07/2017 14:56

Liên quan đến vụ ‘Nhà máy thép Việt – Pháp (NMTVP): Ở không xong, long đong di dời’, chính quyền thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vừa tổ chức họp dân để thông báo kết luận của UBND tỉnh Quảng Nam về việc di dời nhà NMTVP tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1.

Một số người dân khối 7A dựng lều phán đối việc nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm.

Kết luận nêu trên do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký ngày 25/7, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đã đọc thông báo kết luật này cho những người dân khối 7A tham dự cuộc họp được nghe.

Thông báo nêu rõ, thời gian qua, UBND tỉnh, các Sở, ngành và UBND thị xã Điện Bàn đã nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm ổn định tình hình sản xuất của NMTVP cũng như giải quyết những kiến nghị của người dân địa phương, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Theo đó, tại thông báo số 150/TB-UBND ngày 27/4/2017 của UBND tỉnh đã đề ra 2 phương án nhằm ổn định đời sống của nhân dân gắn với quy hoạch các cụm công nghiệp cũng như sẽ di dời nhà máy. Thông báo nêu rõ: “UBND tỉnh thống nhất chủ trương di dời NMTVP ra khỏi cụm công nghiệp Thương Tín 1; tuy nhiên việc di dời phải có thời gian, lộ trình, bảo đảm di dời trước ngày 31/12/2019. Trong thời gian chờ di dời phải tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định”.

Còn hai phương án được đề cập như sau: Phương án 1: Rà soát quy hoạch, triển khai trồng cây xanh hoặc xây tường chắn ở vệt cách ly (15m) giữa Cụm công nghiệp Thương Tín 1 và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng về môi trường của Cụm công nghiệp đối với đời sống sinh hoạt của nhân dân trong khu vực. Phương án 2: Điều chỉnh quy hoạch, tiến hành xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi phía Bắc tuyến đường ĐT 607 (khoảng 4ha), sau có xây hàng rào bảo vệ Cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, người dân không đồng tình với hướng giải quyết này, nhiều người cho rằng, thời gian cuối năm 2019 là quá lâu vì nhà máy thép gây ô nhiễm này là quá sức chịu đựng của dân. Cuối buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn ghi nhận các ý kiến của người dân và phía doanh nghiệp; đồng thời hứa sẽ báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Trước đó, Đại đoàn Kết đã có bài “Nhà máy thép Việt - Pháp: Ở không xong, long đong di dời”, phản ánh về NMTVP thuộc Công ty Việt - Pháp, được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên thời gian qua người dân phản ánh nhà máy gây ô nhiễm môi trường nên đã nhiều lần dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối.

Trước tình thế đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra yêu cầu nhà máy phải di dời vào cuối năm 2017, nhưng câu chuyện di dời này đang nan giải. Vì ở lại người dân không đồng tình, di dời đến nơi mới cũng bị phản đối.

Tấn Thành