Phấn đấu 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn trung bình
“Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Lễ biểu dương 700 người có công với cách mạng tiêu biểu.
Các đại biểu dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu. Ảnh: VGP.
Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ biểu dương 700 người có công (NCC) với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Với những hy sinh, mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất Tổ quốc". Ảnh: VGP.
Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, nằm trong tổng thể các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội như vỡ òa khi đón 700 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC đại diện cho hàng triệu NCC trong cả nước.
Đó là những người mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, là những anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động tiêu biểu, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ; họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang vượt khó vươn lên; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi …
Họ không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.
Cả khán đài như lặng đi khi mẹ Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi, vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang kể câu chuyện về cuộc đời mẹ. 11 tuổi mẹ đã làm giao liên, thư từ cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên mẹ tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Rồi mẹ lập gia đình và sinh được hai người con trai là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc Trung, những cái tên đầy ý nghĩa, nặng tình đất nước. Cả hai người con của mẹ đều sinh ra trong địa đạo.
Cuối năm 1967, mẹ nhận được hung tin chồng của mình là liệt sĩ Phạm Văn Tám đã hy sinh, đến tháng 4/1975, mẹ lại thêm muôn phần đau đớn khi cả 2 người con của mình đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc.
Với ý chí kiên cường bất khuất của mình, Mẹ giấu nước mắt để tiếp cùng anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang chiến đấu trên các mặt trận để hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc đời mẹ đã nếm trải đủ những mất mát, thương đau nhưng hôm nay khi kể lại mẹ bảo: Nếu được chọn lại mẹ vẫn chọn được sinh ra vào thời khắc ấy và vẫn sẽ đi theo con đường đã chọn.
Tại hội nghị biểu dương trong 700 tấm gương tiêu biểu có hơn 500 là thương binh, bệnh binh, trong số đó nhiều người là thương binh nặng 1/4 với tỷ lệ mất sức trên 90%, song đã vượt qua vết đau của thương tật, vượt qua tất cả những khó khăn để sống có ích, làm điểm tựa vững vàng cho con cháu.
Nhiều người đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, thu hút tạo việc làm, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào công tác an sinh xã hội như thương binh 2/4 Phạm Thanh Xuân, tỉnh Lào Cai, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và bị thương nặng.
Trở về với cuộc sống đời thường anh xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, chọn nghề nuôi ong mật với số lượng trên 700 đàn ong ngoại, sản lượng hàng chục tấn mật ong; mang lại việc làm cho hàng trăm lao động có mức lương cao.
Thu nhập mỗi năm của gia đình hàng chục tỷ đồng, một phần trong đó anh đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, cho các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Thương binh Phạm Thanh Xuân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, cùng với sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của NCC ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi... Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở.
“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Những người con của các mẹ đã ra đi mãi mãi.
Từ đáy lòng, mọi người dân Việt Nam luôn tri ân và bằng tình yêu thương sâu nặng. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen cho các đại biểu tiêu biểu nhất. Ảnh: Việt Dũng.
Bí thư TW Đảng Nguyễn Hòa Bình và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các đại biểu tiêu biểu nhất. Anh: Việt Dũng.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, để tri ân những đóng góp của các gia đình thân nhân liệt sĩ, những NCC, Thủ tướng Chính phủ đã trao 70 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 70 đại biểu NCC tiêu biểu nhất; Bộ LĐ-TB&XH cũng trao tặng 630 Bằng khen cho đại biểu NCC.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã quyết định tặng 700 phần quà cho 700 đại biểu tham dự hội nghị.