Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm
Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng chống tội phạm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, ngày 26/7, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và của các ngành, các cấp, mà nòng cốt là lực lượng công an, số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc đã giảm 3,8% so với cùng kỳ 2016.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp như tội phạm giết người tăng 3,98% với 95% do nguyên nhân xã hội; tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nơi, đang thách thức các chuẩn mực đạo đức và gây bức xúc trong nhân dân; tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước; tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp; hoạt động bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi; tội phạm về môi trường tăng 9,8%; tội phạm về ma tuý diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (tăng 13,4%) so với cùng kỳ…
Về tình hình an ninh chính trị, vẫn còn một số đối tượng lợi dụng tự do dân chủ để kích động người dân tụ tập, biểu tình, chống đối gây ra những vụ việc phức tạp… Đây là những hành vi cần lên án và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế, thiếu sót. Việc nắm tình hình và dự báo về tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn bị động trong một số vụ việc, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm, chưa dành thời gian thích đáng cho việc đối thoại và giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân, có trường hợp cán bộ làm sai, tham nhũng gây bức xúc trong dư luận, hiệu quả phòng ngừa tội phạm chưa cao, ý thức cảnh giác của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, một số bộ, ngành còn chậm phê duyệt các đề án của Chương trình phòng, chống tội phạm nên chưa bảo đảm tiến độ đề ra.
“Hiệu quả trong đấu tranh tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, ổ nhóm buôn lậu chưa cao, nhất là việc phát hiện phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử cho được người cầm đầu đường dây, tổ chức tội phạm đó”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2017.
Đó là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng chống tội phạm, đặc biệt là Kết luận số 05 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, các Chương trình của Chính phủ trong vấn đề này.
Các ngành, các cấp, địa phương cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng phòng ngừa xã hội, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về phòng chống tội phạm, khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các đạo luật liên quan đến phòng chống tội phạm đã được Quốc hội thông qua.
“Các địa phương lưu ý giải quyết tốt các khiếu kiện, bức xúc của người dân, nhất là khiếu kiện gay gắt, kéo dài liên quan đến đất đai, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để xảy ra những điểm nóng về an ninh trật tự, để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Lực lượng chức năng cần tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Hội nghị cấp cao APEC.
Tập trung đấu tranh xoá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê, núp bóng doanh nghiệp phạm tội, tội phạm sử dụng vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người, giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, cướp giật, đối tượng truy nã, tội phạm về kinh tế và tham nhũng, tội phạm buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm, khai thác khoáng sản trái phép (đặc biệt là khai thác cát sỏi), tội phạm công nghệ cao, tội phạm mua bán và vận chuyển ma tuý, kịp thời truy tố và xét xử các vụ án nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vụ án lớn mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo.
“Các cơ quan truyền thông tiếp tục vào cuộc quyết liệt, góp phần phát hiện và vạch trần các tổ chức băng nhóm tội phạm, tuyên truyền để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gương người tốt, các mô hình quần chúng tự quản và đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả để nhân lên, tuyên truyền ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tội phạm. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh thì chính quyền nơi đó phải tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác.
Chú ý việc xác định trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm là của cả hệ thống chính trị, phát huy hết sức mạnh tổng hợp của toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân góp sức trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Xây dựng chính quyền cơ sở và hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là lực lượng nòng cốt ở cơ sở để phát động cho tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào đoàn kết xây dựng nếp sống văn hoá mới, nông thôn mới, đô thị văn minh, nhân rộng các mô hình tự quản.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về phê duyệt Chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm va ma tuý giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức thực hiện. Bộ, ngành nào chưa phê duyệt chương trình này cần thực hiện ngay cũng như tăng cường phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện đề án.
Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ sẽ cử 5 đoàn kiểm tra liên ngành về làm việc tại các địa phương trong năm nay để kiểm tra công tác này.
Bộ GD&ĐT nghiên cứu đưa vào chương trình sách giáo khoa về vấn đề này để các em biết phòng ngừa, tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật, các trò chơi kích động bạo lực, ma tuý. Nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật, giữ gìn nếp sống văn hoá, môi trường lành mạnh của học đường.
Bộ Công an nghiên cứu theo hướng bố trí công an chính quy làm việc tại công an xã để xử lý các vụ việc phức tạp, liên quan đến hoạt động tố tụng.
Đối với các cơ quan tố tụng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị có sự phối hợp liên ngành rà soát các vụ án, tạm đình chỉ để xử lý cho đúng vì vụ án tạm đình chỉ vẫn còn bị treo, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng vẫn còn, trách nhiệm của người vi phạm vẫn còn, quyền lợi của đương sự không bảo đảm…
Bộ LĐTB&XH sớm hoàn chỉnh đề án kiểm soát ma tuý, kiểm soát cai nghiện trong cộng đồng trên tinh thần người nghiện là nạn nhân, không phải là tội phạm, cần được tổ chức cai nghiện và kiểm soát tốt quá trình cai nghiện này.
Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai, tập huấn Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, kiện toàn đề án giám định tư pháp, hoàn thiện cơ chế xử lý các tang vật do vi phạm hành chính đang tạm giữ, tịch thu như kho xe máy đang tạm giữ tại công an các quận, huyện hiện nay.