Đồng bằng sông Cửu Long: Canh tác lúa thông minh tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng

Đại Dương - Lam Hồng 27/07/2017 09:45

Tập quán canh tác lạc hậu cộng với tâm lý sợ mất mùa đang làm cho người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền lúa giống mỗi năm. Thế nhưng, tại một số địa phương khi thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh đã mang lại hiệu quả bất ngờ.

Tham quan mô hình canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL.

Hiện nay, toàn vùng có khoảng 1,8 triệu ha đất trồng lúa. Với mức gieo sạ quá dày như hiện nay (trung bình từ 150 đến 200 kg lúa giống/ha, thậm chí có nơi hơn 200 kg/ha) thì mỗi vụ, toàn vùng đang mất đi tiền lúa giống khoảng 2.000 tỷ đồng/vụ chưa kể phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Gieo sạ dày cũng dẫn đến chi phí sản xuất không những tăng cao mà còn làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt gạo.

Theo GS.TS. Mai Văn Quyền, Trưởng ban cố vấn “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhiều bà con nông dân ở ĐBSCL hiện nay vẫn lo khi sạ thưa thì năng suất thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, cây lúa nếu có khoảng trống thích hợp, nó có thể đẻ nhánh nhiều và phát triển rất tốt.

Tham quan các mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH” vụ Hè – Thu 2017 tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang cho thấy tính vượt trội hơn hẳn của mô hình. Ông Dương Văn Sơn, ở ấp Hỏa Vàm, xã Thanh Yên A, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cho biết: “Gieo sạ thưa, cây lúa nở bụi nhanh, chồi to, lá cứng đứng thẳng, dù bị hạn vẫn phát triển tốt. Trước đây chúng tôi quen sạ dày nên nay yêu cầu sạ thưa cũng hơi đắn đo, suốt một tuần sau sạ tôi rất lo, nhưng qua 10 ngày thì thở phào, cây lúa phát triển qua mỗi đêm mỗi khác, đến 25 ngày thì ruộng lúa nhà phát triển tốt hơn ruộng bên ngoài mô hình”.

Còn ở ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, vụ Hè - Thu năm nay, ruộng nhà ông Cao Văn Nhân mới sạ được 40 ngày, nhưng lúa trong mô hình phát triển rất tốt. Chỉ vào đám ruộng kế bên, ông Nhân nói: “Đám ruộng nhà tôi sạ chỉ bằng phân nửa giống so với ruộng khác mà bây giờ lúa đẻ nhánh không thua gì mà lúa lại đẹp hơn, từ vụ sau trở đi tôi sẽ áp dụng theo mô hình này”.

Ông Võ Quốc Trung, Trưởng phòng kỹ thuật- Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, cho hay, mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có việc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT: giảm giống lúa gieo sạ ở mức 80 kg/ha và các kỹ thuật tiên tiến “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, góp phần cho sự thành công thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất lúa đặc sản” và Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Tại Hậu Giang, theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông tỉnh này thì giá thành sản xuất trong mô hình Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là 1.992 đồng/kg giảm 489 đồng/kg so với sản xuất đối chứng là 2.481 đồng/kg. Trong đó, việc giảm giống, bón phân cân đối hợp lý, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động và tăng năng suất đã góp phần quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm. Do sạ thưa và sử dụng phân bón chuyên dùng giảm chi phí sản xuất nên mô hình cho lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng 4.727.000 đồng/ha. Mô hình thực hiện thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần làm tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế, từng bước nâng cao mức sống của người nông dân.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, lợi nhuận trong mô hình đạt 23.421.200 đồng/ha cao so với sản xuất đối chứng là 18.760.000 đồng/ha. Chênh lệch lợi nhuận là 4.661.200 đồng/ha.

GS.TS Mai Văn Quyền cho biết, nếu thực hiện theo kỹ thuật của chương trình: mỗi vụ, toàn vùng sẽ tiết kiệm được trên 100 ngàn tấn lúa giống, 115.500 tấn Ure, thuốc bảo vệ thực vật… Những con số quy ra tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi mỗi ha vẫn cho lợi nhuận cao hơn 4,5 triệu đồng.

Đại Dương - Lam Hồng