Đề nghị đổi cách tính tiền sử dụng đất: Tránh phát sinh tiêu cực
Ngày 26/7, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có cuộc làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA). Mong muốn thị trường bất động sản minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, HoREA đã kiến nghị thay đổi cách tính tiền sử dụng đất.
Kiến nghị tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn khi áp dụng thực thế trên thị trường. Mặc dù thị trường bất động sản TP HCM là thị trường năng động của cả nước song vẫn vướng không ít rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất cản trở thị trường này phát triển chính là tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất là một “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp và người mua nhà. Tiền sử dụng đất trở thành “ẩn số”, không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất đang làm cho môi trường dễ phát sinh tiêu cực và tạo ra cơ chế “xin – cho”.
“Thu tiền sử dụng đất hiện nay là hình thức tận thu, không tốt cho doanh nghiệp và người mua nhà”, ông Lê Hoàng Châu nhận định. Ông Châu nêu so sánh cần tham khảo, ở Mỹ vấn đề này có phần nhẹ nhàng hơn. Ví dụ, tại bang California thuế bất động sản bao gồm nhà và đất chỉ ở mức hơn 1,2%, bang Taxes là khoảng 4%,… thu lâu dài chứ không phải thu một lúc.
Nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” tiền sử dụng đất, giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho, HoREA đưa ra giải pháp trong đó nhấn mạnh về lâu về dài cần xem tiền sử dụng đất như là sắc thuế. UBND TP HCM cũng từng đề xuất với Chính phủ nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.
Đại diện HoREA nhấn mạnh, biến tiền sử dụng đất thành sắc thuế để minh bạch thị trường khi đó chủ đầu tư biết rõ hiệu quả đầu tư. Làm được điều này đòi hỏi phải bỏ khung giá đất ban hành định kỳ 5 năm một lần. Không để Chính phủ ban hành khung giá đất nữa vì giá trong khung không sát với giá thị trường. Bởi vì, để có được giá đất Sở Tài nguyên Môi trường phải thực hiện đấu thầu, đơn vị nào đấu thầu giá thấp thì được thẩm định. Nên chăng giao trách nhiệm và toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để đảm bảo thực hiện nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
HoREA hy vọng những kiến nghị được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan quan tâm xử lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường bất động sản thành phố nói riêng và cả nước nói chung phát triển minh bạch, bền vững.