Cầu truyền hình đặc biệt tri ân các anh hùng, liệt sĩ
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, tối 26/7, chương trình đặc biệt Cầu truyền hình ‘Dáng đứng Việt Nam’ được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trực tiết tại 4 điểm cầu: Tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị, và Đền tưởng niệm Bến Dược-Củ Chi (TP HCM).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tham dự chương trình tại các điểm cầu, có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ cùng đông đảo nhân dân cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam tại Di tích lịch sử quốc gia 27/7 ở xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Bên cạnh những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại 4 điểm cầu, Chương trình mang tới cho khán giả và nhân dân cả nước nhiều câu chuyện rất đặc biệt, lần đầu được công bố. Đó là chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hy sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị.
Ở tuổi 18, chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Sơn khi đang là sinh viên năm thứ hai viết thư tình nguyện đi bộ đội (tháng 9/1971). Trong cuốn nhật ký bằng thơ của mình, Nguyễn Kỳ Sơn tự hào: "Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ/ Vui gì hơn anh lính tân binh/ Mũ sáng soi miệng cười chúm chím/ Ánh hào quang tỏa sáng niềm tin". Anh hy sinh ngày 25/8/1972. 1 năm sau gia đình mới nhận được tin để rồi bắt đầu chuỗi hành trình 38 năm bố mẹ anh lặn lội tìm mộ con...
Trong chương trình lần này, khán giả còn được chứng kiến câu chuyện của 2 người mẹ đợi con 30 năm, dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88. Đó là mẹ Dương Thị Tạo - mẹ của liệt sĩ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về. Người thứ hai là mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, hiện ở một vùng quê cát trắng ven biển thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Con mẹ Tròn là anh Hoàng Văn Túy, đã nằm lại ở biển Trường Sa vào ngày 14/3/1988.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình cầu truyền hình.
Đó là câu chuyện về những mối tình dang dở, những người ra đi không để lại một bức thư, một tấm ảnh, chỉ để lại những khoảng trống vô tận trong trái tim những người ở lại, “Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ".
Trong chương trình, còn có các phóng sự được thực hiện tại: Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo, TP HCM, Hà Giang, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Quảng Bình...