Những người con kiên trung trong trái tim đất nước
Những ngày này, khi cả đất nước nghiêng mình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, thì ở đâu đó, trong mỗi gia đình Việt, sâu thẳm trái tim mỗi người luôn có bóng dáng một vị anh hùng. Bởi vậy, trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với gia đình và người có công với cách mạng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn luôn đặt tay lên trái tim mình và nói: Tổ quốc biết ơn Mẹ, nhân dân không bao giờ quên công ơn các anh hùng thương binh, liệt sĩ.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các cựu chiến binh tiêu biểu toàn quốc. (Ảnh: Quang Vinh).
1. Mẹ Nguyễn Thị Nậy ở khu phố 1, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình năm nay 92 tuổi, có chồng là ông Hồ Văn Long và con trai là Hồ Văn Mỵ đều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đến thăm mẹ Nậy trong một ngày tháng 7 chang chang nắng, với tất cả lòng biết ơn vô hạn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã dẫn lời bài hát Người mẹ Quảng Nam, một bài hát ca ngợi những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng để nói rằng: nếu bao nhiêu lá rụng trên rừng là bấy nhiêu tình mẹ thì bao nhiêu lá rụng trên rừng cũng là bấy nhiêu công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ.
“Mẹ cần gì hãy nói với chúng con”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ân cần nói với mẹ Nậy. Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nậy xúc động không nói nên lời, chỉ biết nắm chặt tay ông Chủ tịch Mặt trận.
Ai cũng hiểu, sự im lặng của người mẹ ấy chất chứa bao điều.
Đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không gì có thể đo đếm được, nhất là sự hy sinh. Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Trong những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao thế hệ người Việt Nam đã ra chiến trường, trong số đó nhiều người đã hy sinh. Có những người tuổi chưa tròn đôi mươi. Có người cái tên đồng đội chưa kịp nhớ.
Bất cứ ai khi đến Quảng Trị sẽ nhớ mãi hình ảnh Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Thành cổ Quảng Trị với bạt ngàn mộ liệt sĩ chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Vậy mà, trên dải đất hình chữ S này nơi nào cũng có một nghĩa trang liệt sĩ, nơi đâu cũng thấm máu đào của những người giữ nước...
2. Để báo đáp công ơn của những người đã hy sinh vì sự trường tồn của đất nước, việc chăm sóc người có công với trách nhiệm và lòng biết ơn đã trở thành một nét đẹp, truyền thống nhân văn của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng.
Trong dòng lưu bút gửi lại tại Khu tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị trong một ngày tháng 7 năm nay, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã nguyện đem hết sức mình cùng MTTQ Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh để làm sao xứng đáng với những hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước.
Tổng rà soát chính sách đối với người có công trong hai năm 2014-2015 từng được xem là cuộc tổng rà soát đầu tiên kể từ năm 1954, có quy mô lớn nhất với sự tham gia mạnh mẽ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ ngành và đặc biệt là sự tham gia nỗ lực của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, chắc chắn là việc làm tri ân vô cùng ý nghĩa đối với người có công.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng. 10 năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công.
Tuy nhiên nhiều nhà tình nghĩa, nhà Đại Đoàn kết được xây dựng 30 năm qua đã bị hỏng và xuống cấp bởi vậy nhu cầu xây nhà và sửa nhà cho các gia đình người có công hiện nay là hơn 280.000 căn. Vì vậy, để tiếp tục trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng này, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ . Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh tới trách nhiệm và lòng biết ơn của mỗi gia đình người Việt, mỗi cơ quan, tổ chức hãy bàn bạc và có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.
3. Thực tế cho thấy, trong công cuộc đổi mới, tiếp nhận những ưu đãi từ chính sách của Nhà nước và sự tiếp sức của cộng đồng, người có công với cách mạng đã phát huy truyền thống, năng lực, sở trường của mình trong hoàn cảnh mới để xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng, những gia đình văn hóa, gương mẫu của xã hội.
Như lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Thái- Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La khi đến thăm MTTQ Việt Nam: “Thời gian đã lùi xa, khổ đau đã là quá khứ nhưng trong sâu thẳm ký ức của mỗi cựu chiến binh vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về tình quân dân, tình đồng đội, về những ngày tháng vào sinh ra tử để giữ trọn lời thề giữ nước, để lấy đó là niềm tự hào, là động lực để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống”. Là một người lính, bà Thái cũng như những người đồng đội của mình vẫn giữ trọn lời thề với non sông đất nước. Và đối với một người lính, có lẽ không nên nói với họ cái giá của chiến tranh vì Tổ quốc cần họ sẵn sàng hy sinh tất thảy.
Đối với bà Trần Thị Thủy, người bị ảnh hưởng chất độc da cam ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị- động lực để bà vượt qua vô vàn khó khăn của cuộc sống cùng với những vết thương chiến tranh còn để lại trên thân thể hành hạ mỗi khi trái nắng trở trời chính là sự quan tâm chăm sóc người có công của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và truyền thống cách mạng của gia đình. Dòng máu cách mạng ấy vẫn luôn chảy trong huyết quản, là sức mạnh để bà cũng như các thành viên trong gia đình nỗ lực vượt qua gian khó.
Từ những con người kiên trung ấy, thêm một lần nữa, đất nước phải nghiêng mình trước nỗ lực phi thường của họ đang góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.
Điều đó càng cho thấy, chính sách đối với người có công không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là một vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, xã hội. Đền ơn đáp nghĩa không phải chỉ là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài, là một trong những vấn đề lớn gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa từ đó góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Vì thế, trong rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm để người Mặt trận luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của mình.