Truy tố ông Hà Văn Thắm tội tham ô tài sản
Cựu chủ tịch HĐQT OceanBank bị truy tố thêm tội danh Tham ô, 4 người khác cũng được "bổ sung" vào đại án.
Ông Hà Văn Thắm trong phiên xử sơ thẩm tháng 2.
Thông tin từ TAND Hà Nội, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đại Dương - OceanBank và dự kiến xét xử trong tháng 9 tới.
Với bản cáo trạng mới, ngoài hai tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Hà Văn Thắm - cựu chủ tịch HĐQT OceanBank bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội danh trước đó là Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ).
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn - cựu Tổng giám đốc OceanBank, ngoài tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng thêm tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong cáo trạng lần này, ngoài ông Thắm, Sơn và 45 bị can, còn có thêm ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch ngân hàng Thương mại CP Xây dựng Việt Nam), bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín - TrustBank, cùng bị truy tố tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng); Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu chủ tịch công ty BSC - công ty sân sau của Hà Văn Thắm, đồng phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Trần Văn Bình (cựu tổng giám đốc công ty Trung Dung) tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bà Nguyễn Minh Phương - cựu phó tổng giám đốc OceanBank, được tạm đình chỉ bị can do bệnh hiểm nghèo.
Theo tài liệu, tính đến tháng 3/2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chiếm 20%. Đứng đầu OceanBank là Hà Văn Thắm Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Cơ quan công tố cáo buộc, quá trình hoạt động, Thắm cùng đồng phạm đã có nhiều vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng.
Tội phạm mà Thắm cùng những người liên quan gây ra đã làm thiệt hại nặng nề đối với các cổ đông (trong đó có vốn Nhà nước), đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ. Tài liệu vụ án chỉ ra, tổng số tiền mà Hà Văn Thắm cùng hàng chục bị cáo liên quan gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Ông Thắm được xác định là chủ mưu.
Trước đó, ngày 27/2, TAND mở phiên sơ thẩm xét xử ông Hà Văn Thắm cùng 46 bị cáo khác với các tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Ngày 8/3, sau gần 10 ngày xét xử, thẩm vấn, tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ hành vi của bị cáo Thắm, Sơn và những người liên quan khác, trong đó có ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn...
Theo cơ quan công tố, về hành vi tham ô, ông Thắm và Sơn được cho là đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Sơn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng.