Nga, EU đồng loạt lên tiếng chỉ trích dự luật trừng phạt của Mỹ

Khánh Duy 27/07/2017 18:36

Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã chính thức đạt một thỏa thuận cho phép đặt dự luật trừng phạt Nga lên bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump để chờ ký thông qua trong hôm 27/7, điều khiến Nga và cả Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những lời chỉ trích gay gắt.

Dự luật trừng phạt mới của Mỹ bị hàng loạt nước lên án. (Nguồn: Reuters).

Nga dọa đáp trả

Pháp, Đức và EU đã lên án dự luật cho phép áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga mà Quốc hội Mỹ mới thông qua, lo ngại rằng các biện pháp này có thể ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu.

Ông Jean-claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã cảnh báo rằng EU sẽ có phản ứng đáp trả “trong vài ngày tới” nếu dự luật trừng phạt ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của châu Âu.

“Khẩu hiệu 'Nước Mỹ trên hết' không có nghĩa là lợi ích của châu Âu bị đặt ra sau” - ông Juncker lên án động thái của Mỹ, cho rằng Washington đã thất bại trong việc tham vấn họ về dự luật trừng phạt này.

Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong hôm 27/7 đã đạt được một thỏa thuận về việc thông qua dự luật này. Sau một ngày đầy tranh cãi, Thủ lĩnh nhóm đa số Hạ viện Kevin McCarthy và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker đã đạt được một thỏa thuận về dự luật này.

“Sau các cuộc thảo luận với McCarthy, tôi rất vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cho phép chúng tôi chuyển dự luật trên tới bàn làm việc của Tổng thống” - ông Corker nói trong một tuyên bố.

Gói lệnh trừng phạt nằm trong dự luật này còn nhằm vào cả Iran và CHDCND Triều Tiên, và đòi hỏi Tổng thống Donald Trump cần phải có sự chấp nhận của giới lập pháp mới có thể ra chỉ thị gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

“Hiện giờ chúng tôi chỉ có thể nói rằng đây là một thông tin đáng buồn xét về tương lai của mối quan hệ Nga-Mỹ” - Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho hay - “Đây cũng là điều đáng buồn xét trên phương diện luật pháp quốc tế và quan hệ thương mại quốc tế. Nhưng hãy cứ chờ để nó trở thành một luật chính thức”.

Moscow ban đầu đã hy vọng rằng Tổng thống Trump sau khi nhậm chức sẽ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, vốn đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, nhưng sau đó lại tỏ ra đầy thất vọng vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Moscow đã liên tiếp cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ đáp trả cái mà nước này gọi là các hành động thù địch, và đã mệt mỏi vì phải kiềm chế nhiều lần.

Bộ Ngoại giao Nga hồi đầu tháng này từng cảnh báo rằng có quá nhiều điệp viên Mỹ dưới vỏ bọc ngoại giao đang hoạt động ở nước họ và rằng họ có thể trục xuất những người này để đáp trả lại việc Washington trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga hồi năm ngoái. Đây có khả năng là phản ứng của Moscow sau khi chính quyền Trump từ chối trao trả lại 2 khu phức hợp ngoại giao Nga mà họ từng đóng cửa trước đây.

EU lên án hành động đơn phương của Mỹ

Trong khi đó, tại Brussels, giới lãnh đạo châu Âu lại quan ngại rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ có thể ảnh hưởng tới dự án đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức.

Cũng có nhiều quan ngại rằng các công ty châu Âu có thể bị ảnh hưởng vì có liên quan tới việc duy trì và nâng cấp các đường ống dẫn dầu khí ở Nga.

Theo dự luật mà Mỹ mới thông qua, các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với bất kỳ công ty nào tham gia vào việc xây dựng, bảo dưỡng, nâng cấp các cơ sở năng lượng của Liên bang Nga.

“EU hoàn toàn cam kết với các lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên sự đoàn kết của nhóm G7 đối với các lệnh trừng phạt và sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh cần phải được đảm bảo” - ông Juncker nói.

“Dự luật của Mỹ có thể gây ra những ảnh hưởng đơn phương khó lường đối với lợi ích an ninh năng lượng của EU. Đó là lý do tại sao ủy ban đưa ra kết luận rằng, nếu mối quan ngại của chúng tôi không được quan tâm đúng mực, chúng tôi sẵn sàng đưa ra phản ứng phù hợp trong vài ngày tới” - ông Juncker cảnh báo về hành động đáp trả của EU đối với Mỹ.

Theo giới quan sát, nếu Mỹ tiếp tục không cân nhắc tới lợi ích của EU, khối này có thể sẽ kiện Mỹ trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc bãi bỏ các quy định của Mỹ trên lãnh thổ EU.

Dù ban đầu đưa ra tín hiệu phản đối dự luật này, nhưng Tổng thống Trump dường như có rất ít lựa chọn khi phải đối mặt với sự đồng thuận gần như tuyệt đối trong Quốc hội. Người phát ngôn của ông, Sarah Huckabee Sanders, nói rằng Nhà Trắng “đang xem xét lại dự luật này và chờ quyết định cuối cùng, đến khi dự luật được đặt trên bàn làm việc của Tổng thống”.

Dự luật này không những nhằm vào Nga mà còn bao gồm nhiều lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran, liên quan tới cáo buộc hậu thuẫn khủng bố.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong hôm 26/7 đã tuyên bố rằng Tehran sẽ đáp trả lại việc Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Khánh Duy