Nêu cao đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn'
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dịp kỉ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, MTTQ thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đến những thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo UBMTTQ TP Hà Nội tặng quà cho các gia đình chính sách.
Trong đợt vận động đền ơn đáp nghĩa lần này, tính đến ngày 20/7, toàn thành phố đã thu được gần 57 tỷ đồng. Từ số tiền vận động được, các cấp chính quyền đã có thêm nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ phấn đấu để người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong vùng.
Khẳng định ý nghĩa lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết, để thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, UBMTTQ phối hợp với UBND thành phố, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát và thống kê nhu cầu sử dụng xe lăn của thương binh trên địa bàn, đồng thời có kế hoạch giúp đỡ, tặng xe lăn cho các thương binh có nhu cầu, không để thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn.
Chủ động rà soát tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm phù hợp cho con liệt sĩ, con thương binh; phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội các quận, huyện, thị xã tổ chức cho vay vốn hỗ trợ việc làm, cho vay vốn ưu đãi đối với cựu chiến binh, cựu quân nhân.
Trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, MTTQ thành phố Hà Nội đã phấn đấu thực hiện vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà ở cho người có công (NCC), tu sửa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng...
Bên cạnh đó, phối hợp rà soát thực hiện chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng đồng thời hướng dẫn MTTQ các cấp tham gia phối hợp giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công; phối hợp huy động các nguồn lực để xây dựng, sửa trên 7.500 ngôi nhà cho người có công với mức 70 triệu đồng/nhà xây mới, 35 triệu đồng/nhà sửa chữa.
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 57%, nguồn lực xã hội hóa 43%. Đặc biệt, MTTQ thành phố đã phát động 3 tháng cao điểm xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn Thủ đô.
Tính đến ngày 20/7, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố đã vận động được gần 57 tỷ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đã vận động nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp kết hợp với ngân sách địa phương xây dựng và sửa chữa gần 1.000 ngôi nhà cho người có công, trị giá gần 40 tỷ đồng.
Nhờ đó, Hà Nội cơ bản không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Cũng tại Hội nghị gặp mặt các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ hiện đang công tác tại MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố do MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức, Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những cống hiến, hi sinh của các thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và khẳng định các thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ đã có những cố gắng to lớn, đã tự mình vượt lên, vượt qua những đau thương, mất mát để khắc phục khó khăn, tận tâm, tận lực cống hiến phần sức lực còn lại cho công tác Mặt trận.
“70 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Hà Nội nói chung, trong đó có UBMTTQ Hà Nội nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Mong rằng, trong thời gian tới các thương bệnh binh, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, bản chất của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng cuộc sống mới cho bản thân và gia đình, tích cực xây dựng khối đại đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp”- ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.
70 năm qua đi, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc vẫn mãi được hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn Thủ đô gìn giữ trọn vẹn để mỗi dịp 27-7 đến truyền thống đó lại được “truyền lửa”, lưu giữ để các thế hệ sau này tiếp bước.
Hiện Hà Nội có gần 80 vạn người có công, chiếm khoảng 12,5% dân số toàn thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước. Phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, con liệt sĩ, bố mẹ liệt sĩ cô đơn được các cơ quan, đơn vị và toàn dân hưởng ứng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Hà Nội cũng đã nhận phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. |