Giảm thuế có cứu được ngành xi măng?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản chính thức đề nghị Bộ Tài chính xem lại mức thuế xuất khẩu đối với xi măng, hạ từ 5% về mức hợp lý hơn để gỡ khó cho doanh nghiệp, tránh tồn kho.
Ngành xi măng đang lao đao vì khủng hoảng thừa.
Hiện trạng của ngành công nghiệp xi măng trong nước đang đối diện với khủng hoảng thừa trầm trọng. Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp trong quý II và năm 2017 trình Chính phủ mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan này cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang tìm phương án xuất khẩu để giải quyết dư thừa nguồn cung trong nước.
Theo Nghị định số 100/2010 và Nghị định số 209/2013 của Chính phủ quy định, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, công với chi phí năng lượng chiếm 51% giá thành sản xuất trở lên được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT); không được khấu trừ VAT đầu vào.
Ngoài ra Nghị định số 122/2016 của Chính phủ quy định, vật tư, nguyên liệu... có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế nhập khẩu 5%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc không được khấu trừ VAT đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5% sẽ khiến chi phí xuất khẩu xi măng, clinker (nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng) có thể đội lên.
Cụ thể với xi măng là khoảng 7,5 USD/tấn, với clinker là khoảng 4,5 USD/tấn.Văn bản của bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi rõ, “Việc tăng chi phí này khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam khó cạnh tranh với xi măng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản..., ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu xi măng trong nước.
Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu xuống mức thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các DN”
Khi chi phí xuất khẩu tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm hạ. Tiến sỹ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, áp lực xuất khẩu sẽ dội ngược trở lại tiêu thụ nội địa và nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phải ngừng sản xuất hoặc phá sản có thể xảy ra.
Năm 2016, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam đạt 88 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 75 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của Việt Nam đến hết năm 2020 là 93-95 triệu tấn và có thể đạt 130 triệu tấn vào năm 2030.
Thế nhưng, đến hết năm 2018 tiếp tục có thêm 20 triệu tấn xi măng cung ra thị trường đưa nguồn cung sản lượng đến hết năm 2020 đạt con số 108 triệu tấn.
Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, kế hoạch trong năm 2017 của Vicem là sản xuất 28 triệu tấn xi măng, trong đó, 25 triệu tấn phục vụ nhu cầu trong nước và 3 triệu tấn còn lại mục tiêu là phải xuất khẩu. Song Vicem cho rằng, mức thuế phí hiện nay mà đoanh nghiệp phải chịu khá cao
Cũng như Vicem, nhiều doanh nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh khá cụ thể nhưng không bằng lòng với mức thuế đang áp.
Phía doanh nghiệp cho rằng, giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực sẽ khiến các đối tác, bạn hàng, khách hàng đang mua xi măng, clinker sẽ phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang mua của các thị trường khác trong khu vực có sự ổn định và giá bán cạnh tranh hơn nhiều.
Tuy nhiên nhìn lại năng lực ngành xi măng Việt Nam cho thấy còn nhiều điểm yếu. Dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng dù được nhập khẩu từ các đối tác phát triển như Nhật Bản, Thái Lan… song, hiện trạng ô nhiễm từ các nhà máy xi măng luôn rình rập.
Chưa kể, nguồn cung xi măng từ các quốc gia như Thái Lan lại vẫn tiếp tục gia tăng ảnh hưởng sâu vào thị trường nội địa. Ngoài Thái Lan, xi măng Việt Nam còn chịu sức ép cạnh trạnh của xi măng Trung Quốc với chính sách xuất khẩu giá rẻ từ 2 năm về trước.
Đáng chú ý hơn, từ 5 -7 năm về trước, việc cấp phép đầu tư các dự án xi măng quá dễ dãi. Tư nhân đầu tư quá nhiều những nhà máy xi măng công suất nhỏ, tiêu hao vật chất lớn đến nay để lại hậu quả cuối cùng là lỗ, không bền vững.