Sống mòn bên bãi rác quá tải
Tồn tại ngót 20 năm và sau nhiều lần nâng cấp, cải tạo, đến nay bãi chứa rác thải của TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đóng tại phường Trung Sơn đã trở nên quá tải do lượng rác thải sinh hoạt gia tăng đột biến trong những năm gần đây.
Điều này không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh của người dân mà nó còn trở thành vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương trong việc tìm phương án tối ưu để xử lý.
Bãi rác đã rơi vào tình trạng quá tải.
Khổ như sống cạnh bãi rác
Như thường lệ, hàng ngày vợ chồng bà Lê Thị Huấn, trú tại phố Khánh Tiến TP Sầm Sơn sau khi cho đám gà vịt gầy trơ xương ăn xong thì trở vào nhà rồi ngồi bó gối, thẫn thờ nhìn ra phía hơn sào ao không còn bóng tăm cá, nước vẩn lên một màu đen xám, bốc mùi hôi nồng nặc.
Cách đó về phía Nam, chỉ khoảng 200m là bãi chứa rác thải của thành phố đã quá tải, rác chất cao như núi và tràn cả ra phía tường rào.
Bà Huấn cho biết: Việc ngồi “đuổi ruồi” không chỉ xảy ra với riêng gia đình bà mà còn là tình trạng chung của khoảng gần 20 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi cá dọc bờ đông sông Đơ.
“Khi bãi rác ngày một phình to, đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ao không thể nuôi thả cá, ruộng vườn không thể gieo trồng do nguồn nước bị ô nhiễm nặng”- bà Huấn nói.
Bà Huấn cũng cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi ý kiến, kiến nghị đến chính quyền nhưng tình trạng ô nhiễm do bãi rác thải gây ra vẫn không được giải quyết. Bất kể ngày đêm, mùi hôi thối từ bãi rác luôn tràn ngập bầu không khí khiến cuộc sống khu vực dân cư lân cận bị đảo lộn.
Ruồi nhặng bu đen nền, tường nhà, ban ngày ăn cơm phải mắc màn, ban đêm đi ngủ phải đeo khẩu trang và hậu quả là hầu hết người dân tại phố Khanh Tiến đều mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa.
Tình trạng ô nhiễm này không chỉ ảnh hưởng riêng phường Trung Sơn mà người dân các phường Bắc Sơn, Trường Sơn cũng phải gánh chịu hệ lụy.
Được biết, trước tình trạng quá tải của bãi rác thải Sầm Sơn, năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải Sầm Sơn với tổng giá trị đầu tư ban đầu lên đến 26,3 tỷ đồng.
Dự án nhằm giảm ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, do lượng rác thải tăng đột biến sau khi sát nhập thêm 5 xã của huyện Quảng Xương về TP Sầm Sơn và lượng du khách tăng vọt trong mấy năm trở lại đây đã khiến Dự án này chỉ như “muối bỏ biển”!
Loay hoay tìm giải pháp
Trước vấn đề người dân đang bức xúc, ông Trịnh Tứ Khoa - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn cho biết: Tình trạng ô nhiễm do bãi rác thành phố gây ra đã là vấn đề bức thiết từ nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để hầu như chính quyền cấp phường, thành phố vẫn chưa tìm được phương án tối ưu.
Trước mắt sẽ xây dựng một lò đốt xử lý rác tại chỗ, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Về lâu dài vẫn phải di dời bãi rác đến một địa điểm khác phù hợp hơn cho quá trình xử lý.
Ông Phan Viết Linh - Giám đốc Điều hành Cty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch TP Sầm Sơn (Cty MTĐT Sầm Sơn) cho biết:
Trước thực tế bãi rác quá tải, năm 2017, Cty MTĐT Sầm Sơn đã bỏ ra hơn 4 tỉ đồng mua sắm thêm máy móc, phương tiện, hóa chất và thuê nhân công xử lý tình trạng rác quá tải nhưng vẫn không thể giải quyết hết.
Trong khi theo lộ trình phải đến năm 2018, toàn bộ bãi rác này mới được di dời đến khu xử lý rác thải mới có quy mô 14 ha tại xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn.
“Theo tôi, cách duy nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm, quá tải của bãi rác chỉ còn cách đóng cửa. Toàn bộ lượng rác thải tồn dư và rác thải phát sinh phải được di chuyển lên xử lý tại bãi rác Đông Nam, TP Thanh Hóa”- ông Linh nói.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: Trong khi chờ đợi Dự án xử lý rác thải tại xã Quảng Minh đi vào hoạt động, việc bãi rác rơi vào tình trạng quá tải đang trở thành bài toán khá nan giải đối với địa phương.