Chủ động phòng tránh sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước, với gần 60.000 người mắc bệnh, tăng 10% so với năm 2016. Riêng miền Bắc tăng hơn 700%.
Thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay qua kiểm tra hồ sơ bệnh án và thực tế, theo phân tuyến điều trị, TP Hà Nội là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao kỷ lục, khi chưa tới mùa dịch đã có từ 1.000- 1.200 ca mắc mới.
Diệt lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết.
1 người có thể bị mắc 4 lần trong đời
Cảnh báo về khả năng nhiễm bệnh, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa ..., không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.
Những biểu hiện nhận biết bệnh như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi…
Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo, một người có thể mắc SXH tới 4 lần trong đời và không được uống thuốc asprin và ibuprofen khi nghi ngờ mắc bệnh.
Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết da dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Chủ động bảo vệ môi trường sống
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh…
Cùng với đó, ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, hiện muỗi đã “nhờn” với hóa chất diệt muỗi.
Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, tại Hà Nội có 40% người mắc sốt xuất huyết hiện nay là học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh sống tại các khu nhà trọ, nhà tạm.
Điều này chứng tỏ môi trường sống là vệ sinh nơi ở là yếu tố quan trọng để phòng bệnh. Vì thế trong khi chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng chống sốt xuất huyết là người dân phải chủ động bảo vệ môi trường sống, diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị các bệnh viện thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; Tăng cường tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép bệnh nhân...
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng chống sốt xuất huyết Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tăng cường công tác phòng chống SXH. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn; Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh SXH, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… cùng các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực việc phòng chống; đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh; Đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức đoàn thể chỉ đạo các cấp cơ sở chủ động thực hiện và tích cực vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh SXH, đặc biệt là diệt lăng quăng (bọ gậy); Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Bộ Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Công điện này. |