GS TS Phạm Tất Dong: Hiểu đúng về người tài
Là người được đào tạo bậc ĐH ở nước ngoài, GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, không phải tất cả những người được đào tạo ở nước ngoài đều giỏi. Cũng như đào tạo ở trong nước, đâu cũng có người giỏi và cả người không giỏi.
Vì thế, trước khi đặt câu hỏi tại sao người này đi học nước ngoài về lại không được trọng dụng, hoặc thi không đỗ vào chỗ này, chỗ kia, trước hết nên xem lại mình.
GS TS Phạm Tất Dong.
Nhân tài là ai?
Đặt câu hỏi này, GS TS Phạm Tất Dong cho rằng hiện nay có nhiều cách hiểu về khái niệm này. Từ đó, có cách nhìn nhận, sử dụng và bồi dưỡng khác nhau.
Theo GS Dong, nhân tài được hiểu là những người xuất sắc trong mọi lĩnh vực xã hội và trong sản xuất. Họ là lao động có thành tích nổi trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra và có những đóng góp sáng tạo lớn lao với đất nước.
Họ thể hiện được năng lực cao của họ và họ nêu cao được phẩm chất của người lao động. Tuy nhiên, nhân tài không có nghĩa là thiên tài - những người xuất chúng trăm năm mới gặp một người.
Từ đó, nhân tài gắn liền với hoạt động sản xuất, lao động. Một học sinh học rất xuất sắc trong một hay nhiều lĩnh vực học tập, trước hết vẫn nên được gọi là có năng khiếu, có tố chất.
Nhưng để trở thành nhân tài, cần một quá trình học tập, tu dưỡng liên tục và sau đó là tham gia công tác, lao động, tạo nên những đóng góp thiết thực với những việc làm cụ thể.
Để làm rõ hơn, GS Dong phân tích những học sinh giỏi ở bậc phổ thông được tuyển chọn qua nhiều cuộc thi, đạt được thành tích tốt là rất đáng trân trọng.
Nhưng để phát huy được trí tuệ này, cần tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện theo phương pháp phù hợp vì học giỏi không có nghĩa là sẽ làm giỏi.
Một học sinh tốt nghiệp xuất sắc lớp 12, thậm chí có thể đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế hay khu vực chưa thể ngay lập tức trở thành chuyên gia, nhà khoa học hay kỹ sư mà cần đến một quá trình đào tạo bền bỉ hơn nữa.
Chính vì điều này, việc phát hiện ra người tài đã quan trọng nhưng bồi dưỡng, sử dụng người tài làm sao để họ phát huy được hết tố chất, khả năng của mình càng quan trọng hơn.
Điều này, ở tầm vĩ mô là những chính sách đãi ngộ của Nhà nước để Việt Nam không còn tình trạng “chảy máu chất xám”. Ở cấp tiếp theo là từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp, từng tổ chức… cần có sự chung tay để thu hút người tài đến với mình, trong đó không chỉ là ưu đãi về vật chất, môi trường làm việc mà còn là thái độ của cấp quản lý…
Tất nhiên, phải đặt niềm tin đúng chỗ vì nhân tài cũng không có nhiều, và không phải ai được tung hô, ai từ nước ngoài trở về với một đống bằng cấp cũng phải được trọng vọng.
Học tập suốt đời
Nhìn nhận về vấn đề du học sinh Việt Nam hiện nay ở nước ngoài, GS Dong cho rằng, việc du học là lựa chọn của mỗi người. Về hay ở cũng vậy.
Tuy nhiên, khi phân tích, rõ ràng nếu chọn sống ở nước ngoài thì có thể có mức lương cao, có cơ hội được theo đuổi đam mê khoa học với đầy đủ phòng thí nghiệm tiên tiến, điều kiện tốt, sau đó là chuỗi công nghệ sản xuất có thể ứng dụng những nghiên cứu mình theo đuổi...
Đấy là trong điều kiện họ có thực tài. Mà người có thực tài, dù ở đâu cũng không lo không tìm được việc làm xứng với tài năng của mình.
Cũng phải nói thêm, tài năng xuất chúng nào đi chăng nữa cũng phải học, học từ trong nhà trường, học ngoài xã hội, học trong cuộc đời, học trong chính lao động sản xuất. Không ai trở thành tài năng mà không học cả. Thậm chí là học mãi, học suốt đời.
Vì vậy, quan điểm của tôi là nên nhìn nhận đúng bản chất của những người giỏi ra nước ngoài nhưng chưa quay về. Họ chưa về chứ không phải là vĩnh viễn không về.
Và ngay cả khi họ không về thì vẫn có rất nhiều cách để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Thời đại toàn cầu rồi nên không phải cứ sống ở Việt Nam mới gọi là yêu nước, mới có thể làm được việc này, việc kia vì Tổ quốc.
Ngay cả khi người đó cống hiến cho sự phát triển của nhân loại thì cũng là cống hiến cho Việt Nam, làm cho hai tiếng Việt Nam rạng rỡ hơn trên bản đồ tri thức thế giới hơn…
Ngược lại, những người chọn trở về nước, cũng cần học cách thích nghi và tìm kiếm cơ hội phù hợp. Trước khi đặt câu hỏi vì sao mình có tài năng như vậy, nhiều bằng cấp như vậy lại không được trọng dụng, hoặc thi không đỗ vào chỗ này, chỗ kia, trước hết nên xem lại mình…
“Trở lại với vấn đề thu hút nhân tài góp sức cho sự phát triển của đất nước, theo tôi không có cách nào khác là phải thay đổi cách nhìn với lực lượng này, trong đó cần tạo mọi điều kiện để họ phát huy hết năng lực.
Đó là lực lượng sản xuất tiên tiến, phải biết tận dụng thì mới đưa nền khoa học công nghệ của Việt Nam phát triển mạnh mẽ…” - GS Phạm Tất Dong nói.