Các trường đại học không xét tuyển chung vẫn lo thí sinh ảo
Điều mà nhiều trường đại học lo lắng hiện nay là lượng thí sinh ảo tại các trường không tham gia nhóm xét tuyển chung...
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại TP HCM.
Nhằm giúp các trường đại học hạn chế tối đa tình trạng thí sinh ảo, mùa tuyển sinh năm nay, hơn 100 trường đại học trên cả nước đã tham gia 2 nhóm xét tuyển chung ở khu vực phía Bắc và phía Nam.
Nếu hoạt động đúng theo tiêu chí cũng như những cam kết ban đầu, 2 nhóm xét tuyển này sẽ tạo ra nguồn thông tin chung đáng tin cậy để các trường đại học thành viên tiến hành lọc ảo và xét tuyển sát với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không ít trường vẫn lo rằng sẽ có các tình huống phát sinh khiến số thí sinh ảo gia tăng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng vừa qua, cả nước có trên 300.000 thí sinh thay đổi, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Điều này tác động nhiều đến lượng thí sinh dự kiến trúng tuyển vào các trường. Để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của lượng thí sinh ảo, mùa tuyển sinh năm nay, hơn 80 trường đại học thuộc khu vực phía Nam đã thành lập nhóm xét tuyển chung làm nhiệm vụ tiền lọc ảo.
Từ ngày 27 đến ngày 30/7, các trường đại học trong nhóm sẽ cùng ngồi lại phân tích dữ liệu, cập nhật, chia sẻ thông tin và thống nhất điểm trúng tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, một trong hai đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển chung phía Nam cho biết: “Các trường trong nhóm xét tuyển chung sẽ thực hiện việc chống ảo bằng cách cung cấp danh sách thí sinh trúng tuyển của mình cho trường chủ trì. Từ đó, trường chủ trì phản hồi lại thông tin các thí sinh nào trong danh sách đã trúng tuyển ở các trường khác để trường tham gia nhóm có thể chốt lại danh sách trúng tuyển cuối cùng. Điều này sẽ được Bộ GD-ĐT lọc lần cuối vào ngày cuối cùng của đợt xét tuyển, tức là ngày 30/7”.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Nông Lâm TP HCM, do quy chế năm nay cho phép thí sinh được đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng nên việc các trường hỗ trợ nhau lọc ảo để chốt danh sách trúng tuyển cuối cùng là điều cần thiết.
“Theo nguyên tắc, khi thí sinh trúng tuyển đại học theo nguyện vọng đầu tiên, tài khoản của các em sẽ bị xóa khỏi hệ thống để nhường vị trí đó lại cho các thí sinh có nguyện vọng tiếp theo. Như vậy, điều thuận lợi cho các trường trong năm nay là thí sinh chỉ được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, không có một giấy báo trúng tuyển nào khác nữa” - Tiến sĩ Trần Đình Lý nói.
Điều mà nhiều trường đại học lo lắng hiện nay là lượng thí sinh ảo tại các trường không tham gia nhóm xét tuyển chung và những tình huống có thể phát sinh nếu một trong số các trường thành viên phá vỡ cam kết vào phút chót. Vì năm nay, điểm trúng tuyển do mỗi trường tự quyết định nên vào ngày cuối của đợt xét tuyển, chỉ cần một ngành trong một trường thay đổi điểm chuẩn thì cả hệ thống phải thay đổi theo.
Những trường càng đông thí sinh và có điểm chuẩn càng cao sẽ ảnh hưởng càng lớn đến các trường còn lại. Theo đó, các trường tốp giữa sẽ đứng trước nguy cơ dư chỉ tiêu hoặc mất nguồn tuyển chỉ với một thao tác tăng, giảm điểm chuẩn của trường tốp trên.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, đó chưa phải là điều đáng lo nhất.
“Điều quan trọng nhất liên quan đến tỷ lệ ảo phụ thuộc vào thí sinh. Vấn đề là thí sinh cảm thấy mình cần hay không cần học ở trường đó. Kể cả khi trúng tuyển các em vẫn không nhập học. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra”- ông Phạm Thái Sơn nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, một trong hai đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển chung phía Nam cho rằng: hệ thống dữ liệu chung sẽ giúp các trường tiệm cận với mức điểm trúng tuyển hợp lý nhất để gọi nhập học gần đúng với chỉ tiêu được giao. Vấn đề là các trường phải tuân thủ đúng các quy tắc hoạt động đề ra ban đầu. Tuy nhiên, dù hoạt động hiệu quả đến mấy, nhóm cũng không thể giúp các trường lọc ảo 100%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng phân tích: “Nhiều thí sinh đi du học nước ngoài hoặc một số em trúng tuyển vào các ngành của bộ đội, công an… nên phần mềm lọc ảo chưa thể lọc hết được. Do vậy, vẫn xảy ra tình trạng một số ngành của một số trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu và một số trường bắt buộc phải xét tuyển ở các đợt tiếp theo”.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng:,bên cạnh việc nhờ vào sự hỗ trợ của nhóm xét tuyển chung cũng như phần mềm lọc ảo từ phía Bộ GD-ĐT, điều các trường đại học cần làm hơn cả là nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo uy tín và thương hiệu. Khi đã tạo được uy tín, các trường sẽ ổn định được nguồn tuyển, từ đó tránh được tình trạng thiếu hoặc thừa chỉ tiêu ảnh hưởng đến quá trình hoạt động.