Nặng lòng với văn hóa Mường
Sinh ra, lớn lên ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), ông Cao Sơn Hải luôn đau đáu với kho tàng tri thức bản địa, di sản của ông cha để lại. Từng là giảng viên Trường đại học Sư phạm Vinh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa rồi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian dân tộc Mường.
Ông Cao Sơn Hải với công trình Luật tục Mường.
Ông Cao Sơn Hải là người dân tộc Mường, nên hiểu biết phong tục, tập quán, nhất là tiếng nói của cư dân bản địa. Điều đó đã giúp ông thực hiện các công trình song ngữ: Việt - Mường (vì người Mường không có chữ viết, cho nên ngôn ngữ Mường được phiên âm bằng ký tự la-tinh) khi nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian Mường.
Những câu chuyện, truyền thuyết dân gian như "Nàng Nga - Đạo Hai Mối", "Nàng Út Lót - Đạo Hồ Lưu", "Nàng Ờm - Chàng Bông Hương" được ông sưu tầm, biên soạn, thể hiện bằng hai ngôn ngữ. Đến nay, ông đã có 20 công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian của dân tộc Mường, về thành ngữ Mường.
Công trình sưu tầm, biên soạn thành ngữ Mường có thời lượng 1.300 câu, thể hiện bằng song ngữ, góp phần chuyển tải sự đa dạng, phong phú của cư dân bản địa.
Công trình song ngữ thành ngữ Mường của ông không chỉ bảo lưu giá trị gốc, minh chứng sức sống lâu bền của dòng văn hóa bản địa, mà còn phân tích, đối sánh rõ nét hơn sự giao thoa, tiếp thu văn hóa, làm phong phú hơn kho tàng thành ngữ Mường.
Để phục vụ công tác nghiên cứu ông Hải thường xuyên dành nhiều thời gian đi đến các vùng có người dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình, lên Sơn La, sang Phú Thọ... nghiên cứu về luật tục rồi so sánh, đối chiếu với hệ thống luật tục còn bảo lưu ở các vùng Mường Thanh Hóa. Công trình nghiên cứu Luật tục Mường dày 400 trang của ông đã nêu bật cơ sở ra đời, hình thức tồn tại, vai trò, tính chất của Luật tục Mường.
Ông Hải tâm sự, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tám dân tộc chung sống, nhưng số lượng người nghiên cứu về dân tộc Mường còn ít. Con em dân tộc Mường tham gia nghiên cứu, bảo lưu, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình cũng không nhiều. Cho nên ông đã trăn trở nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các công trình song ngữ nhằm bảo lưu kho tàng thơ, văn học dân gian, văn hóa dân gian Mường để truyền lại cho thế hệ mai sau; góp phần làm rõ nét hơn bản sắc và sức sống lâu bền của văn hóa Mường trong thời đại hiện nay.