Tăng lương tối thiểu vùng: Chưa chốt được phương án cuối cùng
Sau gần 5 tiếng thảo luận khá căng thẳng, đến 12h trưa ngày 28/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định tạm dừng cuộc họp. Khác với cuộc họp lần trước, tại cuộc họp này dường như phía đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã “nhún nhường” đưa ra đề xuất tăng lương từ 13,3% xuống còn 8%. Trong khi đó, đại diện giới chủ vẫn kiên quyết giữ nguyên mức đề xuất là tăng 5% so với mức lương tối thiểu vùng 2017.
Công nhân rút tiền lương tại các cây ATM. Ảnh: TL.
Chưa thống nhất
Dù thừa nhận hiện nay lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu nhưng ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù khả năng của doanh nghiệp (DN) đã được cải thiện có nhiều điểm sáng, nhưng đại đa phần vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là các DN sử dụng đông lao động trong ngành dệt may, da giày, thuỷ sản và lắp ráp điện tử.
“Theo các chuyên gia đánh giá, mức lương hiện tại chỉ đáp ứng được trên dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhưng trên thế giới chưa có nước nào lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, vì đây là cuộc chạy đua mà gần như không có điểm gặp nhau. Doanh nghiệp mong muốn có sự phát triển ổn định, vì nếu tăng lương tối thiểu quá cao thì họ sẽ phải tính tới cơ cấu lại hoạt động sản xuất, khi đó, một bộ phận lao động không có việc sẽ trở nên thất nghiệp và nảy sinh vấn đề xã hội khác”- ông Phòng nói.
Ông Nguyễn Đức Thuấn- Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam cho hay, DN luôn coi lao động là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của công ty. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ tới tăng lương mà không tăng năng suất lao động, không đưa khoa học công nghệ thì vô hình trung sẽ đẩy chi phí lao động của Việt Nam cao hơn nhiều nước khác và các đơn hàng sẽ chảy sang các nước có chi phí gia công thấp. Như vậy, mục đích chung của quốc gia không đạt được, DN mất đơn hàng, lao động mất việc.
Theo VCCI, hiện nay quỹ lương của DN ngành da giày chiếm 70-75% trong giá gia công và ngành dệt may chiếm tới 72-78% giá gia công của sản phẩm may xuất khẩu. Nếu lương tối thiểu tăng hàng năm trong khi giá gia công có xu hướng giảm và không tăng khiến lợi nhuận của DN sẽ giảm dần, thậm chí nhiều DN trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản đã ngừng kế hoạch tăng lương thường xuyên cho người lao động. Các DN yếu thì cắt giảm phần lương mềm của đa số người để bù đắp vào các chi phí tăng thêm. Hơn nữa, tăng lương nhưng nhiều khoản tiền tính theo lương như bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn, giờ làm thêm... đều tăng.
Trong khi đó, theo đại diện của người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), tình hình kinh tế- xã hội năm 2017 có nhiều khởi sắc, do đó, người lao động cũng phải được hưởng thành quả lao động họ đã đóng góp. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn ở mức cao, khoảng 4-5% nên tiền lương tối thiểu của năm 2018 phải bù được trượt giá, để thu nhập của người lao động không giảm sút trong thực tế. Ngoài ra hiện nay tình cảnh của người lao động vẫn rất khó khăn.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN ở 17 địa phương năm 2017 cho thấy 51% người lao động cho rằng, họ phải làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống, trên 54% người lao động không hài lòng với mức tiền lương tối thiểu hiện nay… Do đó, phía Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 10%, một số ý kiến trong Tổng liên đoàn đã xuống mức 8%. Như vậy so với phiên họp tăng lương lần đầu, Tổng LĐLĐVN đã chấp nhận một bước lùi khá lớn từ 13,3% xuống còn 8 %.
Người lao động kỳ vọng tăng lương để đáp ứng mức sống tối thiểu, nhưng doanh nghiệp không muốn tăng lương để giảm chi phí.
Vẫn phải chốt mức nâng lương tối thiểu
Trao đổi với báo chí sau phiên họp thứ 2 của Hội đồng, ông Doãn Mậu Diệp- Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: Nếu như ở phiên họp lần trước, khoảng cách chênh lệch về mức tăng giữa hai bên rất lớn (tới hơn 8%), thì sau phiên họp sáng nay, mức chênh lệch đã giảm xuống một nửa. Cụ thể về tỷ lệ mức hạ xuống và tăng lên lương tối thiểu giữa các bên là bảo mật, con số chốt cuối cùng sẽ diễn ra trong phiên họp tới của Hội đồng Tiền lương quốc gia, dự kiến sẽ diễn ra 1 tuần sau.
Trên tinh thần cân nhắc cả lợi ích quốc gia, lợi ích người lao động, khả năng chi trả và cạnh tranh của doanh nghiệp, đại diện các bên đều thể hiện tinh thần trách nhiệm khi trao đổi, thương lượng. Đến nay, chỉ còn hai phương án đưa ra xem xét.
“So với phiên họp lần 1 (hôm 27/6), đại diện người lao động và giới sử dụng lao động đều có thiện chí trong việc tìm ra cách thu hẹp giữa các đề xuất tăng lương tối thiểu trong phiên họp lần này. Lần trước, khoảng cách hơn 8%. Nhưng tới phiên họp này, khoảng cách đã chỉ còn 3-4 % và con số đề xuất cuối cùng sẽ có ở phiên họp hôm 7/8”- ông Diệp nói.
Vẫn theo ông Diệp, việc ấn định mức tăng lương tối thiểu vùng căn cứ theo quy chế. Nếu như hai bên thống nhất được phương án đưa ra để bỏ phiếu và tỷ lệ bỏ phiếu đó quá bán, thì đó là phương án cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được, thì hiện còn có hai phương án do đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động đưa ra. Nếu phương án nào tỷ lệ lựa chọn cao hơn sẽ là phương án để hội đồng lựa chọn.
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ không quyết phương án nào bởi đây là quá trình thương lượng giữa hai bên trên sự cân nhắc lợi ích quốc gia, cải thiện đời sống người lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do bỏ phiếu kín nên phương án chốt tăng lương tối thiểu vùng sẽ thông qua tại phiên họp tới đây.
Như vậy kết thúc phiên họp thứ 2 của Hội đồng vẫn chưa thể chốt được phương án tăng lương tối thiểu vùng. Song ngày mùng 7/8 tới đây, dù đề xuất nào được lựa chọn thì chắc chắn giấc mơ lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu một lần nữa lại bị lỗi hẹn với người lao động.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 180.000-250.000 đồng/tháng, tăng bình quân 7,3% so với năm 2016. Cụ thể: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, từ 3,5 lên 3,75 triệu đồng/tháng; mức lương vùng 2 tăng thêm 220.000 đồng, từ 3,1 triệu đồng lên 3,32 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng 200.000 đồng, từ 2,7 triệu đồng lên 2,9 triệu đồng/tháng và vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,4 triệu đồng lên 2,58 triệu đồng/tháng. |