Yemen và cuộc sống trong dịch bệnh
Trẻ em chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc xung đột kéo dai ở Yemen, với ước tính có khoảng 80% trẻ em ở nước này đang trong tình trạng cần viện trợ trong khi 2 triệu trẻ em khác đang trong tình trạng suy dinh dưỡng do thực phẩm cực kỳ khan hiếm- Liên hợp quốc cảnh báo.
Một bé trai Yemen thẫn thờ trong trạm xá ở khu vực ngoại ô thủ đô Sana.
“Cuộc khủng hoảng trẻ em”
Ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến chống phiến quân và nạn đói ở đất nước có 12,5 triệu dân số trẻ tuổi này đã được phản ánh lại bởi các giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Bảo trợ trẻ em LHQ và Chương trình Lương thực thế giới (WFG) trong một tuyên bố chung đưa ra hôm 28/7, trong đó nhấn mạnh về “đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất thế giới”.
“Đây là một cuộc khủng hoảng về trẻ em”- Bismarck Swangin, chuyên gia truyền thông cho Unicef tại Yemen, cho hay.
“Khi nhìn vào số lượng trẻ em đang bị bỏ mặc đến chết vì chứng suy dinh dưỡng, và giờ lại là nạn nhân của đợt bùng phát dịch tả, có thể thấy rằng trẻ em không chỉ là nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột, mà còn là các nạn nhân của những hậu quả gián tiếp từ cuộc xung đột đó”- ông Swangin nói thêm.
Cuộc xung đột kéo dài suốt 2 năm qua giữa một bên là phiến quân Houthi và một bên là liên minh quân sự mà Arab Saudi dẫn đầu đã gây ra tổn thất nặng nề đối với Yemen, khiến tình trạng thường dân mất nhà cửa ngày càng phổ biến trong khi hàng triệu người đối mặt với nạn đói.
Thực tế rằng cơ sở hạ tầng của đất nước này đang bị hủy hoại nặng nề đồng nghĩa với việc khoảng 14,5 triệu người dân, trong đó có gần 8 triệu trẻ em, không được tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn vệ sinh. Số trường hợp bị mắc bệnh tả ở Temen được dự báo sẽ lên tới 600.000 ca vào cuối năm nay.
Ông Swangin cho hay có một nửa các trường hợp bệnh tả và khoảng ¼ tổng số trường hợp tử vong liên quan tới bệnh tả đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em Yemen. Vị quan chức cũng đưa ra những hình ảnh đáng sợ trong các trạm xá y tế và bệnh viện ở nước này, trong đó trẻ em nằm la liệt trên sàn nhà và không thể di chuyển chân tay được, trong khi các bậc cha mẹ đứng nhìn bất lực.
“Khi chúng tôi hỏi những bà mẹ về tình trạng con em của họ, họ chỉ nhìn lên Trời và nói rằng “Chúng tôi phó mặc cho Chúa Trời”. Đây là tất cả những gì họ có thể nói được, cho thấy sự bất lực của những bà mẹ”- ông Swangin nói.
Khủng hoảng kéo dài
Caroline Anning, cố vấn kỳ cựu về xung đột và nhân đạo cho tổ chức vì trẻ em Save The Children, nói rằng bà đã rất bất ngờ khi biết được rằng 80% trẻ em ở Yemen đang cần được viện trợ khẩn cấp.
“Điều này trùng khớp với những gì chúng tôi chứng kiến tại Yemen”- bà Anning nói và cho rằng: “Thông điệp mà chúng tôi nhận được là đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo diện rộng, lớn hơn những gì chúng ta từng chứng kiến ở Syria, hơn nhiều phần khác của thế giới, nhưng nó lại không nhận được sự quan tâm đúng mực”.
Vị chuyên gia cũng cho hay hiện ở Yemen có hàng triệu trẻ em phải lên giường ngủ mỗi đêm khi cái đói hành hạ chúng. Những đứa trẻ ở Yemen cũng không được đến trường, hiện có khoảng 2 triệu trẻ em ở đất nước này đã phải bỏ học vì chiến sự. Ngoài ra là số lượng lớn trẻ em bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, đến nỗi chúng không thể tự đứng đậy nổi. “Chúng tôi chứng kiến những bà mẹ bế những đứa con bị suy dinh dưỡng của họ tới trạm xá, đi bộ suốt nhiều giờ liền bởi không có tiền để chi trả cho phương tiện giao thông. Và giờ, lại có thêm nhiều trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả càn quét khắp đất nước”- bà Anning nói.
Trong khi đó, LHQ cũng ghi nhận rằng phần lớn các trạm xá y tế ở Yemen đang trong tình trạng bị quá tải, thiếu đội ngũ nhân viên y tế và thiếu nguồn cung cấp thuốc men…trong khi trẻ em do thiếu giường bệnh nên thường được chữa trị ngay trên sàn nhà. Những đứa trẻ may mắn được nằm giường bệnh thì được xếp chung cùng 5 đứa trẻ khác.
Hồi đầu năm nay, các nhà từ thiện quốc tế đã cam kết sẽ quyên góp khoản tiền 2,1 tỷ USD để viện trợ nhân đạo cho Yemen. Nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ có 1/3 số tiền cam kết trên được chuyển giao- LHQ cho hay. Thêm vào đó, các hạn chế trong việc chuyển hàng viện trợ tới quốc gia này, trong đó gồm nhiều lần trì hoãn tại cảng chính Hodeidah và do sân bay thủ đô Sanaa bị đóng cửa, nên các nỗ lực cứu trợ càng khó được thực hiện.
Yemen rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi. Kể từ đó tới nay, xung đột tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, hơn 40.000 người bị thương và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.