Thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Nhiều góp ý được tiếp thu

Thu Hương 29/07/2017 08:00

Chiều 28/7, Bộ GD&ĐT cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) thông qua ngày 27/7. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Ảnh minh họa.

Tên gọi của nhiều môn học, cũng như thời lượng học tập ở từng cấp học đã được điều chỉnh so với Dự thảo đã công bố hồi tháng 4/2017. Đặc biệt các vấn đề hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm, các quy định đánh giá kết quả giáo dục thay vì giao xét tốt nghiệp THPT cho các cơ sở giáo dục đã có nhiều điều chỉnh.

Giáo dục hướng nghiệp từ cấp THCS

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam cho biết, đối với một số kiến nghị của Hiệp hội gửi Ban soạn thảo trước đó hồi tháng 5 đã được tiếp thu. Đó là, nội dung hướng nghiệp được đưa vào từ cấp THCS. Đây là một trong những điểm rất đáng phấn khởi vì theo ông Nhĩ, để đến lớp 10 mới hướng nghiệp như Dự thảo đã đưa ra sẽ là muộn. “Việc định hướng này là một quá trình đã được tiến hành suốt các bậc học từ tiểu học đến THCS và THPT”- ông Nhĩ nhấn mạnh.

Cụ thể, trong dự thảo mới quy định rõ, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Không “bỏ kỳ thi THPT quốc gia”

Một trong những thay đổi được nhắc đến nhiều tại Dự thảo chương trình GDPT tổng thể (Dự thảo) công bố hồi tháng 4-2017 là việc “Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”. Có nghĩa khi Chương trình GDPT mới áp dụng, kỳ thi THPT sẽ không còn. Thay vào đó, việc xét tốt nghiệp sẽ được giao cho các trường.

Trong Chương trình mới, nội dung này được chuyển xuống phần “Điều kiện thực hiện chương trình GDPT” với nội dung: “Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục phải phản ánh mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình; hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực của học sinh.

Việc đánh giá kết quả giáo dục để công nhận tốt nghiệp THPT bảo đảm độ tin cậy, trung thực, phản ánh đúng năng lực của học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đồng thời bảo đảm phù hợp với quyền tự chủ của cơ sở giáo dục, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nghị quyết 88 cũng đề cập đến việc đổi mới cách thi và đánh giá. Do đó, nếu quy định ngay trong chương trình GDPT mới thì sẽ liên quan tới luật và nghị quyết. Vì vậy, ban soạn thảo đã chuyển phần “thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh ĐH” từ phần đánh giá sang phần “điều kiện thực hiện chương trình”.

Bên cạnh đó, trong phần đánh giá kết quả giáo dục, dự thảo mới bổ sung nội dung nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục.

Không cần giáo viên chuyên biệt tổ chức hoạt động trải nghiệm

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết: Tiếp thu góp ý của dư luận xã hội thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, nhiều người hiểu nhầm hoạt động trải nghiệm (là một hoạt động giáo dục) với phương pháp trải nghiệm trong các môn học. Tôi xin nói rõ, trải nghiệm trong từng môn học thuộc về môn học, thuộc về phương pháp của môn học ấy, không nằm trong khung hoat động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm. Đó là hai việc khác nhau.

Vì đây là hoạt động giáo dục học sinh nên mọi giáo viên, dù dạy Văn hay Toán… đều có năng lực tổ chức hoạt động giáo dục học sinh. Không cần giáo viên chuyên biệt để tổ chức hoạt động này. Thường là giáo viên chủ nhiệm lớp kết hợp với giáo viên Đoàn, Đội hay làm hoạt động này. Giáo viên chủ nhiệm thường không quy định phải dạy môn gì.

“Tôi nhấn mạnh, không dùng từ “dạy” mà là tổ chức hoạt động trải nghiệm để không lẫn với môn học”- bà Thoa nói.

Vấn đề thứ hai, theo bà Thoa, nhiều người lo lắng về thời lượng hoat động, hình thức tổ chức như thế nào, có đánh giá học sinh ra sao… Phần này rơi vào chương trình chi tiết. Ở khung chương trình tổng thể mới chỉ đưa ra được tên gọi và thời lượng, định hướng nên chỉnh sửa chủ yếu so với bản dự thảo đã công bố hồi tháng 4 là về tên gọi của hoạt động. Thay vì hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì nay là hoạt động sáng tạo.

“Mặc dù bỏ đi chữ sáng tạo trong tên gọi nhưng không có nghĩa là hoạt động này không đạt đến mục tiêu là phát triển sự sáng tạo của con người. Bởi vì sáng tạo là mục tiêu chung của hệ thống giáo dục”- bà Thoa cho biết.

Ngoài phục vụ cho mục tiêu chuẩn đầu ra của học sinh đã được công bố, hoạt động trải nghiệm cũng có chuẩn đầu ra riêng. Đó là nhằm tới năng lực tổ chức và tham gia hoạt động, bởi khi tham gia hoạt động trải nghiệm, đứa trẻ có được năng lực tổ chức các hoạt động. Năng lực thứ hai là thích ứng với sự biến đổi cuộc sống và nghề nghiệp.

Về ý kiến cho rằng hoạt động trải nghiệm trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không còn là “hoạt động được thực hiện thường xuyên” như ở dự thảo cũ, bà Thoa khẳng định, là sự hiểu nhầm. Chỉ là trước đây hoạt động các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có hoạt động trải nghiệm sáng tạo để cùng một ô nên nhiều người nhầm lẫn. Lần công bố chính thức này đã tách ra còn bản chất vẫn là hoạt động bắt buộc.

Về thời lượng dành cho hoạt động trải nghiệm vẫn là 3 tiết/tuần. Ngoài ra, các địa phương có thể dùng thêm quỹ thời gian dành cho địa phương, những trường dành 2 buổi trong ngày thì có thể dành thêm thời gian để làm tốt hơn nữa hoạt động này.

Giảm số lượng tiết học

Ở cấp tiểu học, Chương trình GDPT mới đã điều chỉnh giảm thời lượng các tiết học ở từng khối lớp so với Dự thảo. Cụ thể, lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.015 tiết; lớp 3 giảm từ 1.147 tiết xuống 1.085 tiết; lớp 4, 5 giảm từ 1.184 xuống còn 1.120 tiết.

Thời lượng giáo dục của cấp THCS cũng giảm từ 58-78 tiết/năm so với dự thảo.

Đối với cấp THPT, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nổi bật nhất là Chương trình không tách cấp học này thành 2 giai đoạn với 2 tính chất (dự hướng và định hướng nghề nghiệp) như dự thảo trước mà gộp thành một giai đoạn chung, thông suốt từ lớp 10 đến lớp 12.

Thu Hương