Gia vị lạ có làm nên món ăn ngon?
Teaser mới của “Chí Phèo ngoại truyện” vừa hé lộ thêm vai diễn khách mời của diễn viên Ilram Choi- cascadeur ở Hollywood. Cùng với “Girl 2 - Những cô gái và gangster” có sự góp mặt của võ sĩ đấm bốc nổi tiếng Mike Tyson cũng chuẩn bị ra rạp, xu hướng mời diễn viên nước ngoài tham gia phim Việt ngày càng nhiều. Hội nhập, mở cửa là rất đáng hoan nghênh, chỉ có điều nhiều người vẫn băn khoăn. Liệu gia vị lạ có làm nên một món ăn ngon hay vẫn… như rứa?
Võ sĩ quyền anh Mike Tyson và Trần Bảo Sơn khi thực hiện phim “Girl 2 - Những cô gái và gangster”.
Làn sóng diễn viên ngoại
Nhân vật của Ilram Choi là một sát thủ máu lạnh, cánh tay phải của ông trùm Thiên Bá (Nhan Phúc Vinh). Những hình ảnh nam diễn viên trổ tài đánh đấm, bay người tung cú đá trong đoạn phim ngắn khiến khán giả mãn nhãn, tò mò xem cascadeur gốc Hàn Quốc, tập nhiều môn võ như Taekwondo, Judo, Aikido và từng đóng thế trong các phim The Amazing Spider-Man 2, Batman v Superman, Spider-Man: Homecoming... sẽ thể hiện ra sao trong phim Việt.
Trong khi đó, “Girl 2 - Những cô gái và gangster” do Trần Bảo Sơn hợp tác thực hiện cùng nữ đạo diễn Hoàng Chân Chân và ekip làm phim đến từ Hong Kong (Trung Quốc). Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao nổi tiếng châu Á như: Trương Quân Ninh, Trần Ý Hàm, Tiết Khải Kỳ, Vương Thủy Lâm, Phạm Điềm Điềm... và võ sĩ quyền anh người Mỹ Mike Tyson sẽ chính thức được công chiếu tại Việt Nam vào tháng 8 tới.
Như vậy, cuối mùa phim hè năm nay, những “át chủ bài” vẫn đang hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả Việt những bất ngờ khó đoán định trong những tác phẩm điện ảnh nội. Sự góp mặt của các diễn viên ngoại trong phim nội đã trở thành xu hướng, làn sóng được đạo diễn Việt ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Có lẽ mọi việc bắt nguồn từ trường hợp của Can Ðình Ðình trong phim “Hà Nội - Hà Nội” (2007). Nữ diễn viên này sau đó đã đoạt Giải thưởng Cánh diều Vàng Việt Nam cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Phim điện ảnh. Tiếp đó là các diễn viên Cha Ye Ryeon, Hong So Hee trong “Mười” (2007)...
Gần đây, việc “sao” ngoại xuất hiện trong phim Việt không còn là hiếm. Có thể kể đến hai người mẫu quốc tế Richie Kul và Kris Duangphung tham gia 2 chương Thuyền và Trăng huyết trong chùm phim ngắn “Ngọc Viễn Đông” của đạo diễn Cường Ngô; John Ruby trong “Touch” của đạo diễn Nguyễn Đức Minh. “Ranh giới trắng đen” là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam do đạo diễn người Indonesia Najantolis chỉ đạo thực hiện, với dàn diễn viên kết hợp giữa 3 nước: Võ Thành Tâm, Phan Như Thảo, Thúy Diễm của Việt Nam; Guntur Triyoga, Siti Dewi Rahmawati, Roger Danuarta của Indonesia; Pang Swee Teow của Singapore.
“Đình đám” nhất phải kể đến Roger Yuan, đạo diễn hành động nổi tiếng Hollywood và là diễn viên của hàng loạt phim bom tấn như: Shanghai noon, Lethal Weapon 4, Batman Begins, Black Dynamite… Anh cũng trở thành đối thủ của Dustin Nguyễn trong “Lửa Phật” - bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam. Các phim “Quyên”, “Truy sát”, “Tình xuyên biên giới” cũng có sự tham gia diễn xuất của những diễn viên ngoại quốc.
Diễn viên Can Đình Đình trong bộ phim "Hà Nội, Hà Nội".
Vị lạ liệu có “át mùi”?
Qua rồi cái thời thiếu diễn viên khiến người Việt phải hóa trang cố sao cho ra “mắt xanh mũi lõ râu xồm”. Cũng qua rồi cái thời khá khẩm hơn tí, khi nhân vật là người Pháp, Mỹ được thể hiện bằng mấy “anh” Liên Xô máy mồm lồng tiếng trong phim chiến tranh. Giờ, bằng mối quan hệ rộng, với tình bằng hữu sau nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, các đạo diễn (đa phần là Việt kiều) “thích thì mời” ngay được những diễn viên nước ngoài về tham gia phim Việt “cho thêm phần long trọng”.
Độ “sang chảnh” và sự hấp dẫn của phim càng tăng khi diễn viên, đạo diễn đó là người nổi tiếng, quen mặt trong nhiều phim “bom tấn” mà khán giả Việt từng “há hốc mồm” ra “thần phục”. Không thể phủ nhận được những đóng góp của họ, trước hết về mặt xuất hiện để “có cớ” truyền thông rầm rộ, kéo khán giả quan tâm, chờ đón và kéo đến rạp.
Diễn xuất chuyên nghiệp, thể hiện xuất sắc của họ đương nhiên là “miễn bàn”. Chỉ có điều, không ít lần khán giả phải thất vọng khi sự xuất hiện của họ quá ít, hầu như không đóng góp gì cho nội dung của phim mà đúng chất “khách mời”, có cũng được mà không có cũng xong.
Bên cạnh đó, nhiều khi những vai diễn này, dù là gia vị nhưng lại “át mùi” cả “nguyên liệu chính”, lộ ra sự non kém, thiếu chuyên nghiệp, không nhập vai, kĩ thuật diễn xuất yếu của những “bình hoa di động” là diễn viên nội trong phim.
Điều quan trọng nhất, họ là gia vị mạnh và lạ nhưng rốt cuộc cũng khó làm nên một món ăn ngon khi mà người chế biến vụng hoặc chính những nguyên liệu toàn “đặc sản” làm nên nồi lẩu thập cẩm thiếu chọn lọc và tinh tế. Đó là lí do vì sao những phim có “sao” ngoại tham gia được truyền thông rầm rộ, hứa hẹn nhiều đột phá trong thời gian qua vẫn chưa thực sự gặt hái được thành công, trở thành tác phẩm điện ảnh xuất sắc, để đời.
Tuy vậy, vẫn có cái để mà hi vọng vì theo thông tin bên lề, sau khi làm hậu kì, “Girl 2 - Những cô gái và gangster” đã được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Cannes và được bạn bè quốc tế đánh giá cao về nội dung, bối cảnh. Bên cạnh đó, phim sẽ được công chiếu rộng rãi ở Hong Kong, nhiều nước châu Á trước khi được BHD phát hành ở các cụm rạp tại Việt Nam từ ngày 18/8 tới.
Đây vẫn là một hướng “xoay” trong vô vàn những nỗ lực để đưa điện ảnh Việt Nam bứt phá. Làm gì đó còn hơn là không làm. Vì thế, những nỗ lực này vẫn đáng trân trọng và khuyến khích. Không thành công vẫn… có công. Nếu mỗi đạo diễn, diễn viên và ekip sản xuất phim của Việt Nam học tập được chút gì đó từ những diễn viên nước ngoài chuyên nghiệp, thậm chí nổi tiếng, rất nổi tiếng này thì cũng là một cơ may của điện ảnh Việt.