Hoài niệm Quảng Trị
Hoài niệm Quảng Trị đã trở thành một thương hiệu của vùng đất từng là tuyến lửa ác liệt trong chiến tranh. Mỗi năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới đây theo loại hình du lịch hoài niệm để tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng, về thăm lại chiến trường xưa và tri ân các liệt sĩ.
Cầu Hiền Lương.
Quảng Trị nằm trên dải đất miền Trung đầy nắng gió với nhiều nét riêng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa tại Quảng Trị đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt như Địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương- đôi bờ Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại...
Đây thực sự là những bảo tàng sống, sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Thời gian gần đây, du khách đến với Quảng Trị không chỉ để thăm thú cảnh quan, con người mà còn để hoài niệm về một thời đã xa, để lật giở từng trang lịch sử qua những chứng tích chiến tranh còn lại. Điều đó cho thấy, du lịch hoài niệm đang trở thành thế mạnh của vùng đất đầy nắng gió này.
Mỗi khi nhắc đến “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972, mọi người lại nhớ về địa danh “Thành cổ Quảng Trị” gắn với cuộc chiến đấu khốc liệt kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972). Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ mãi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần anh dũng, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị cho hay: Đây là không gian linh thiêng, là “địa chỉ đỏ” về truyền thống cách mạng ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, cụm di tích Thành cổ Quảng Trị đã vượt phạm vi 24ha đất thành cũ, hướng qua hữu ngạn sông Thạch Hãn, với các công trình tôn vinh, tưởng niệm như: Tháp chuông, Quảng trường Giải phóng, Bến thả hoa, Đài tưởng niệm…
Theo Trưởng ban Quản lý, những năm gần đây, lượng khách đến thăm viếng ngày một đông. Năm nay, với dấu mốc kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 45 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, lượng khách đến đây tăng hơn so với năm trước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lượng người đến với Thành cổ là hơn 100 nghìn lượt. Tháng 7, lượng khách ước tính tăng gấp 5-6 lần so với tháng 6 và gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Thành cổ Quảng Trị.
Cùng với đó, di tích lịch sử nhà thờ Long Hưng là một trong những điểm tham quan Quảng Trị không thể thiếu với những ai muốn tìm hiểu nhiều về lịch sử ở vùng đất này. Điểm đến nằm trên quốc lộ 1, thuộc làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
Nhà thờ được xây dựng năm 1955 – 1956, nơi gắn với mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nhà thờ Long Hưng là nhà thờ đạo Thiên Chúa của giáo dân Long Hưng, với tổng diện tích lên đến 1220 m2, là hệ thống kiến trúc gồm tháp chuông bát giác ở bên trên, phía trước, nơi có gắn thánh giá, có giáo đường rộng rãi, có hành lang ở hai bên nhà thờ.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là sự kiện lịch sử bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thì nhà thờ Long Hưng chính là nơi hứng chịu nhiều bom đạn tàn phá của quân địch, và nhiều lần đổ nát.
Nhà thờ Long Hưng được biết đến như là điểm tham quan Quảng Trị rất giá trị, một chứng tích hiếm hoi còn lại đến hiện tại, nơi gắn với cuộc chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại thị xã Quảng Trị. Chính tại nơi này đã ghi dấu chiến tích cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta chống lại cuộc phản kích của quân Mỹ ngụy nhằm tái chiếm Quảng Trị.
Tại nhà thờ Long Hưng, quân và dân ta đã có hàng trăm đợt phản kích, nhiều trận đẩy lùi quân địch nhưng cũng chịu nhiều tổn thất mất mát đau thương. Và những chiến tích đó góp phần vào việc bảo vệ vững chắc Thành cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm mà lịch sử còn ghi lại.
Rồi cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh- nơi khiến nhiều người nhớ lại những cuộc “chọi loa”, “chọi cờ” quyết liệt trong chiến tranh. Thời kỳ đó, cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền (miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam kháng chiến, miền Nam do chính quyền Sài Gòn được Hoa Kỳ hậu thuẫn quản lý) trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975.
Bên trong địa đạo Vịnh Mốc.
Sau ngày hòa bình lập lại, cầu cũ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1996, Bộ Giao thông Vận tải đã cho xây chiếc cầu mới dài 230m, rộng 11,5m, nằm về phía Tây cầu cũ. Năm 2001 chiếc cầu sắt năm 1952- một chứng tích lịch sử của sự chia cắt đất nước được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ bị bom Mỹ đánh sập năm 1967.
Rồi địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là một công trình quân - dân trong chiến tranh. Nơi đây giờ là điểm dừng chân ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Hệ thống địa đạo tồn tại ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong suốt những năm 1965-1972. Ðể bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho ba đến bốn người ở.
Trong lòng địa đạo có ba giếng nước, một hội trường (với sức chứa 50 người), bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại…Tầng hai sâu 18 m là nơi sống và sinh hoạt của nhân dân, đóng trụ sở của Ðảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng ba sâu 22 m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.
Theo thống kê, có đến 18.000 ngày công được huy động để đào địa đạo Vịnh Mốc trong hai năm. Địa đạo này được đào ở vùng đất đỏ bazan từ năm 1965 và hoàn thành 2 năm sau đó, năm 1967 với tổng chiều dài trục chính hơn 2.000 m. Không khí làm cho đất sét trong lòng địa đạo càng ngày càng cứng chắc hơn nên nó vẫn tồn tại gần như nguyên bản cho đến tận ngày hôm nay…
Với những nỗ lực của tỉnh Quảng Trị, du lịch hoài niệm đang có nhiều cơ hội để phát triển, tạo sức bật cho ngành du lịch của một vùng đất anh hùng.
Hoài Dương