Khi doanh nghiệp thiếu vốn
Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng theo thời gian, tuy nhiên DN lại chủ yếu sống được nhờ vốn vay ngân hàng. Giới chuyên gia cho rằng, việc “dựa dẫm” như vậy dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn không chủ động được nguồn vốn.
7 tháng, hơn 72.000 DN khai sinh
Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý kinh doanh, Bộ KHĐT cho biết, trong tháng 7, có 11.677 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 94.543 tỷ đồng, tăng 8,7% về số DN và giảm 14,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 72.953 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 690.738 tỷ đồng, tăng 13,8% về số DN và tăng 39,0% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Số liệu cho thấy, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong tháng 7 đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 21,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả các vùng đều có số DN đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2016. Có thể nêu ví dụ: Trung du và miền núi phía Bắc có 3.099 DN, tăng 26,5%; Tây Nguyên có 1.866 DN, tăng 21,3%.
So với tháng 6, số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 7 trên cả nước là 2.123 DN, tăng 10,5%; Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.887 DN, giảm 9,1%; Số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 3.810 DN, giảm 18,5%; Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 1.165 DN, tăng 53,7%.
Số lượng DN thành lập tăng thể hiện hiệu quả tác động tích cực của Luật DN, Luật Đầu tư và hiệu quả ban đầu của các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, kết quả này thể hiện niềm tin của cộng đồng DN và của các nhà đầu tư đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cũng như cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”.
Vẫn dựa dẫm vào vốn vay
Tuy nhiên cũng có điều đáng lo là DN thành lập mới tăng nhưng số vốn bình quân lại giảm. Thực tế có nhiều DN nhỏ và vừa mới khai sinh nhưng không lâu sau đã phải khai tử, và sống dựa dẫm vào vốn vay. Bởi theo nhiều nhìn nhận, các doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng đều dễ bị tổn thương trong hội nhập.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, DN thành lập vốn tự có rất thấp, chủ yếu đi vay vốn người khác hoặc ngân hàng. Hiện dư nợ của ngân hàng với nền kinh tế lên tới khoảng 111% GDP, có thể nói ngân hàng đang quá tải so với sức của mình.
Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đội ngũ DN tư nhân Việt Nam chỉ phát triển chủ yếu từ năm 2000 trở lại đây. DN tư nhân chủ yếu đăng ký hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng...
Đây được coi là điểm yếu của DN tư nhân Việt Nam khi ít tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp... nên những đóng góp vào nền kinh tế đất nước cũng hạn chế. Bên cạnh đó, có hơn 50% DN tư nhân có vay vốn ngân hàng, DN càng lớn thì vay càng nhiều. Đáng chú ý là các DN chủ yếu vay vốn để trang trải hoạt động, chứ ít đầu tư đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ.
Cho rằng tiếp cận vốn khó khăn là một trong những rào cản đối với DN, ông Hồ Sỹ Hùng- Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT) cho hay, lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đang dao động từ 7-9%/năm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, con số này chỉ là 4,3%/năm, Malaysia 4,6%/năm, Hàn Quốc 2-3%/năm. Như vậy, so với các nước, lãi suất tại Việt Nam quá cao khiến DN khó tiếp cận và giảm sức cạnh tranh.
TS Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao, nhận định, vốn là một trong những nhân tố quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp. Ở các DN nhỏ và vừa, DN tư nhân, tình trạng thiếu vốn đang là một trong những khó khăn tài chính lớn nhất. Việc tiếp cận nguồn vốn hạn chế gây ra thực trạng phổ biến là DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, làm lây nhiễm rủi ro giữa các DN, dẫn đến xuất hiện không ít DN yếu và bị động nguồn vốn.
Mặt khác, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn mà DN nhỏ và vừa, DN tư nhân đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu. Đặc biệt, hiện nay tại Việt Nam, trình độ thiết bị công nghệ trong các DN nhỏ và vừa khu vực tư nhân chỉ bằng 3% mức trạng bị kỹ thuật trong các DN lớn.