Nga tung đòn đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hôm 31/7 đã tuyên bố nước Mỹ sẽ phải cắt giảm đội ngũ ngoại giao ở nước này đi 775 người và rằng Nga có thể cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khác để đáp trả lại các lệnh trừng phạt Nga mà Thượng viện Mỹ phê chuẩn mới đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Đô đốc Vladimir Korolev trong cuộc diễu binh hải quân tại St Petersburg cuối tuần qua. (Nguồn: Reuters).
Moscow đã yêu cầu phía Mỹ giảm bớt hàng trăm nhà ngoại giao và nói rằng họ sẽ thu hồi 2 khu phức hợp ngoại giao Mỹ, sau khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Cùng ngày, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký thông qua dự luật trừng phạt Nga.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, quyết định của Nga là "đáng tiếc" và rằng họ đang cân nhắc các lựa chọn để phản ứng lại. "Đây là một hành động đáng tiếc. Chúng tôi đang đánh giá về ảnh hưởng của hành động này và cách thức mà chúng tôi sẽ đáp trả lại nó", vị quan chức giấu tên trên nói với hãng tin Reuters.
Trong một buổi phỏng vấn với kênh truyền truyền hình Vesti, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng Mỹ sẽ phải cắt giảm tới 775 nhà ngoại giao tính từ nay cho đến ngày 1/9 tới. "Do có hơn 1.000 nhân viên - gồm các nhà ngoại giao và đội ngũ hỗ trợ - đang làm việc tại Nga, 775 người cần phải ngừng hoạt động của họ ở Liên bang Nga", Tổng thống Putin nói.
Lớp lệnh trừng phạt mới của Mỹ là một phần trong kế hoạch đáp trả cho cái mà các cơ quan tình báo nước này gọi là nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, và cũng nhằm trừng phạt thêm đối với nước Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea và khủng hoảng Ukraine.
Moscow đã nhiều lần bác bỏ việc can thiệp bầu cử Mỹ nhưng không hiệu quả đối với chính quyền Washington. Bởi vậy, họ đã đưa ra hành động đáp trả bằng cách đặt ra thời hạn chót để Mỹ giảm đội ngũ ngoại giao làm việc ở Nga xuống còn 445 người, tương đương với số nhà ngoại giao Nga còn lại ở nước Mỹ sau khi Washington trục xuất 35 nhà ngoại giao của họ hồi tháng 12 năm ngoái.
Cũng trong hôm đầu tuần, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có cuộc thảo luận về việc triển khai hệ thống phồng thủ tên lửa Patriot ở Estonia, một trong ba quốc gia Baltic thuộc khối NATO. thủ tướng Estonia Juri Ratas nói với kênh ERR rằng: "Chúng tôi đã thảo luận về nó, nhưng vẫn chưa ấn định thời điểm nào".
"Chúng tôi đã nói về các đợt tập trận quân sự sắp tới của Nga gần biên giới Estonia, và biện pháp mà Estonia, Mỹ và NATO kiểm soát được nó cũng như trao đổi thông tin" - ông Ratas nói.
Phó Tổng thống Pence đã tới Estonia trong lịch trình công du 4 ngày tới nước này, Georgia và Montenegro. Ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các nước Estonia, Latvia và Lithuania.
Theo một quan chức ngoại giao giấu tên tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, họ có khoảng 1.100 nhà ngoại giao và đội ngũ hỗ trợ ở Nga, trong đó có cả công dân Nga và Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về con số các nhà ngoại giao chính xác làm việc ở Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở Nga.
Vào năm 2013, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cùng các Lãnh sự quán ở thành phố St Petersburg, Yekaterinburg và Vladivostok có số lượng nhân viên ngoại giao là 1.279 người, theo báo cáo kiểm tra của Bộ Ngoại giao cùng năm đó. Con số này bao gồm 934 "nhân viên bản địa" và 301 nhân viên người Mỹ đến từ 35 cơ quan chính phủ nước này, báo cáo cho hay.
Điều này cho thấy con số nhà ngoại giao là người Mỹ bị buộc phải rời khỏi Nga nhỏ hơn nhiều so với con số 775.
"Chúng tôi không có 775 nhà ngoại giao là công dân Mỹ ở Nga" - Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, viết trên Twitter - "Nếu sự việc là có thật, Nga sẽ phải chờ đợi nhiều tuần, có khi nhiều tháng để họ lấy được thị thực về Mỹ".
Tổng thống Putin nói rằng, Nga còn có thể đưa ra nhiều biện pháp khác nhằm đáp trả Mỹ, nhưng không phải trong thời điểm hiện tại. "Vào thời điểm hiện tại thì tôi phản đối điều đó", ông Putin nói với kênh truyền hình Vesti.
Lãnh đạo Nga cũng nhắc lại rằng các lệnh trừng phạt mà Mỹ mới thông qua nhằm vào Nga là một bước đi gây tổn hại tới mối quan hệ vốn đang lạnh nhạt giữa hai nước.
"Chúng tôi đã chờ đợi trong một thời gian khá dài, với hy vọng rằng sẽ có gì đó thay đổi theo hướng tốt hơn, và tình hình sẽ chuyển biến. Nhưng dường như dường như tình hình sẽ không thể thay đổi sớm như vậy" - Tổng thống Putin nói.
Ông Putin cũng khẳng định rằng Nga và Mỹ vẫn đang thu được những kế quả đáng mong đợi từ sự hợp tác song phương, dù có trong tình trạng khó khăn như hiện nay. Một trong những ví dụ là việc thiết lập vùng giảm thang căng thẳng ở Syria mới đây; ông Putin cho hay.