Thêm cơ hội cho hợp tác xã

T.Hằng 01/08/2017 08:35

Thời gian tới, khi Quyết định 23/2017/QĐ-TTg có hiệu lực, bài toán vốn được gỡ, Hợp tác xã sẽ có thêm cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như các hình thức cung ứng dịch vụ đầu ra cho sản phẩm.

Phần lớn các hợp tác xã (HTX) đều gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; thiếu tư vấn của đội ngũ khoa học kỹ thuật; năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Một thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước có gần 11.000 hợp tác xã nông nghiệp và chỉ có khoảng hơn 3% trong số này tiếp cận được nguồn vốn vay, trong khi nhu cầu thực tế là khoảng 60%.

Ông Khuất Văn Toàn, PGĐ HTX Kinh doanh Dịch vụ Viên Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, hiện nay, HTX Viên Sơn có tổng diện tích 6,5 ha trồng rau ngắn ngày theo PGS (tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ an toàn), sau một tháng có thể thu hoạch với mức lãi bình quân từ 3-5 triệu đồng/sào. HTX nhiều lần đặt vấn đề vay vốn với một số ngân hàng thương mại nhưng phía ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp tương đương. Cái khó là HTX không có tài sản chung để mà thế chấp vay vốn, đất canh tác hay cây trồng, sản phẩm lại không được tính là tài sản có thể thế chấp vì phía ngân hàng sợ rủi ro nên không chấp nhận…

Mặc dù đã có nhiều hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với HTX, nhưng phần lớn các HTX hiện nay vẫn trong tình trạng khát vốn. Chẳng hạn như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, song HTX vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chỉ dưới 3% HTX được tiếp cận các ưu đãi vì lý do chính sách chưa “trúng” nhu cầu của HTX.

Hiện nay có 5 vấn đề cốt lõi để phát triển khu vực kinh tế HTX đó là công nghệ, thị trường, vốn, đất đai và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay, cả 5 vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, trong đó, nguồn vốn cho đầu tư sản xuất đang thiếu trầm trọn. Mặc dù Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã ra đời, song dường như việc hỗ trợ vốn vay cho các HTX không dễ dàng chút nào do nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của các HTX. Thậm chí hiện còn 13 tỉnh chưa có Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX cấp tỉnh, hoặc có tỉnh thu được hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhưng Quỹ lại không có đồng nào.

Từ ngày 15 - 8 tới, khi Quyết định 23/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều sẽ tạo ra một số cải thiện cho vấn đề này, trong đó chú ý nhất là cho vay đầu tư; bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, Quyết định 23 sẽ giúp HTX gỡ được vấn đề lớn là vốn. Tuy nhiên có điều đáng bàn đa số HTX nông nghiệp hiện nay mới tập trung vào các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng… trong khi các dịch vụ rất quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lại chưa được quan tâm. Vì hạn chế này nên số HTX thực hiện bao tiêu nông sản cho nông dân ít, mới chiếm khoảng 10%. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

T.Hằng