Động lực của tăng trưởng

Minh Phương 31/07/2017 21:03

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói một cách hình ảnh về việc hợp tác cùng phát triển, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2 (VPSF) năm 2017, diễn ra sáng 31/7 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN).

Nhiều điểm yếu

Đến thời điểm này, trong cơ cấu GDP, kinh tế tư nhân đóng góp cao nhất trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp của khu vực này trong GDP đều ở mức trên 43% chiếm khoảng 28,9% tỉ lệ ở khu vực kinh tế nhà nước và 18%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Số lượng DN tư nhân cũng tăng rất mạnh. Năm 2016, số DN thành lập mới đã tăng ở mức kỷ lục, đạt trên 110.000 DN. Nhiều thương hiệu của khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành, được ghi nhận tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, DN quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi năng lực về vốn và công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ rào cản trong môi trường kinh doanh, tuy nhiên, các DN vẫn gặp phải khá nhiều khó khăn về chính sách thuế, chính sách thương mại, xuất khẩu thông quan…

Một trong những vấn đề khá nóng được nêu lên tại diễn đàn đó là tình trạng “giải cứu nông sản” diễn ra thường niên, khiến cho đời sống người nông dân Việt Nam luôn ở tình trạng bấp bênh, ăn bữa nay lo bữa mai. Vậy nhưng các chính sách về nông nghiệp dường như vẫn có nhiều điểm nghẽn. Một DN nông nghiệp cho biết, để có được giấy phép phát triển một dự án, phải xin đến…100 con dấu từ phía các cơ quan chức năng. Điều này khiến DN mất nhiều thời gian, chi phí, khó có thể nâng sức cạnh tranh.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình nêu quan điểm, 30 năm đổi mới nhưng tư duy của các nhà quản lý ngành nông nghiệp vẫn theo kiểu cũ, vẫn lấy hộ cá thể làm trọng tâm. Theo ông Báo, cần phải thay đổi tư duy này, chuyển sang hệ thống sản xuất lấy DN làm trọng tâm cho phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới. Muốn vậy, điều kiện đầu tiên diện tích đất đai cho sản xuất canh tác phải là quy mô lớn, biến đổi linh hoạt theo bài toán kinh doanh của từng DN.

Đồng quan điểm, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I cho rằng, cách làm nông nghiệp hiện bộc lộ nhiều vấn đề. Chính phủ đang tập trung đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhưng cũng cần quan tâm đến yếu tố thị trường, vì đây là yếu tố quyết định đầu ra cho sản phẩm nông sản. “Do đó cần có chính sách, cơ chế mở hơn để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này, ở đó, DN là đầu tàu để định thị trường cho nông dân, khi đó mới hy vọng hết tình trạng tồn ứ, giải cứu nông sản như hiện nay” – ông Tín đề xuất.

Quang cảnh Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2 năm 2017.

Kinh tế số - xu hướng tất yếu

Phát triển kinh tế số là một trong những trọng tâm để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, xây dựng kinh tế số sẽ góp phần giảm được chi phí quản lý cho các bộ, ngành, chính quyền cũng như chi phí của DN. Chia sẻ kinh nghiệm của Hà Nội, ông Chung cho biết, Hà Nội đã tập trung xây dựng “hệ điều hành số” với quyết tâm loại bỏ 170 mạng riêng lẻ ở các địa phương, tạo một hệ điều hành chung cho toàn thành phố, góp phần giúp các DN giảm được nhiều thời gian, chi phí khi đăng ký khởi nghiệp kinh doanh hoặc thành lập mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ luôn nhất quán mục tiêu là xây dựng Chính phủ kiến tạo đồng hành cùng doanh nhân, bảo vệ đến cùng quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với quy định của WTO và các hiệp định thương mại thế giới mà Việt Nam ký kết. Chính phủ quyết tâm thực hiện kiến tạo, hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn thiếu chuẩn mực, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, không dễ bằng lòng. “Cố gắng nâng tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế của khối tư nhân từ 50-60% GDP”- Thủ tướng giao.

Cũng theo Thủ tướng, các DN tư nhân cần nhìn xa hơn ra thị trường thế giới, tránh tình trạng tự ti về quy mô, nguồn vốn… mà không dám cởi mở với thế giới. Dẫn lại câu của người xưa “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thủ tướng tin tưởng rằng, kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế trong tương lai. Việc này đòi hỏi phối hợp với các tác nhân liên quan, liên tục cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cùng với đó, DN tư nhân cũng phải nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh…

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ban ngành Trung ương cần chú ý giải quyết kịp thời những vướng mắc, xử lý những vấn đề dài hạn, luôn đồng hành với DN. “Người quản lý có tâm thôi chưa đủ, cần phải có cả tài do đó cần nâng cao năng lực thích ứng với đòi hỏi của khu vực tư nhân, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…” – Thủ tướng nêu rõ.

“Điểm mấu chốt của kinh tế nông nghiệp Việt Nam là hạn điền, vốn, thị trường và khoa học công nghệ. Tôi đánh giá cao Diễn đàn hôm nay đã chọn vấn đề nông nghiệp. Đây là vấn đề lý thú, Chính phủ tiếp thu các đề xuất của doanh nghiệp tại Diễn đàn và giao Bộ Kế hoạch Đầu tư sửa đổi ngay Nghị định 210 (Nghị định ban hành năm 2013 quy định về những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) ngay trong năm nay để tạo điều kiện tốt hơn cho trụ đỡ của nền kinh tế” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Minh Phương