Tổng thống Nga Vladimir Putin: Mối lương duyên với ngành tình báo
Đầu tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm và chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của cựu cán bộ Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) Lazar Matveyev, nguyên là chỉ huy của ông trong thời gian ông công tác tại CHDC Đức (Đông Đức). Cùng đi với Tổng thống Nga có hai người cựu đồng nghiệp trong KGB của ông cũng trong giai đoạn làm việc ở Đông Đức. Đó là Nikolai Tokarev (hiện đang lãnh đạo tổ hợp Transneft) và Sergei Chemezov(hiện đang lãnh đạo tổ hợp Rostech). Sự kiện này đã khiến cho dư lu
Chân Dung Tổng thống Putin thời trẻ.
Mê say từ nhỏ
Ngay từ khi còn học phổ thông, do say mê những hình ảnh sách vở, phim ảnh, Vladimir Putin đã mơ ước trở thành người chiến sĩ tình báo.
Vừa vào lớp 9, Vova đã đánh bạo tìm tới trụ sở chi nhánh KGB ở Leningrad. Về sau, Tổng thống Nga kể lại: “Một ông chú ra gặp tôi. Và nghe tôi trình bầy. “Cháu muốn làm việc ở chỗ các chú,” - tôi nói. -“Tốt thôi, nhưng có vài chi tiết.”-“Chi tiết gì ạ?” - “Thứ nhất, các chú không nhận những ai tự có sáng kiến. Thứ hai, muốn vào cơ quan này cần phải phục vụ quân đội xong hoặc đã tốt nghiệp một trường đại học nào đó.”
Cũng theo lời vị cán bộ KGB hôm đó, muốn trở thành nhân viên an ninh, tốt nhất là nên học đại học luật. Thế là tốt nghiệp xong trung học, Volodia lập tức xin thi vào khoa luật Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad (LGU). Cha mẹ lúc đầu không đồng ý với sự lựa chọn của con trai. Thi vào khoa luật LGU luôn là một việc khó khăn. Thông thường, khoa này chỉ lấy những ai từng hết hạn phục vụ quân đội trở về. Những cậu bé vừa hết trung học muốn vào đây phải qua một cuộc tuyển lựa rất nghiêm ngặt, lắm khi 40 người mới có một người trúng tuyển. Mà nếu “trượt vỏ chuối” trong kỳ thi đại học là phải đi lính nghĩa vụ ngay.
Vị Tổng thống tương lai đã chọn con đường vượt qua kỳ thi gian nan để theo đuổi ước mơ. Volodia đã đạt điểm 5 tối đa ở hầu hết các môn thi, chỉ có trong môn văn là anh chịu ở điểm 4 thôi. Cha mẹ anh mừng khôn xiết.
Thực ra, trong lúc ông Putin nhớ rất rõ những gì vị cán bộ KGB nói với cậu bé lớp 9 Vova thì ở chi nhánh KGB của Leningrad, ít ai để tâm tới câu chuyện cụ thể này. Thậm chí họ còn quên bẵng nó (Cũng có nguồn tin nói rằng, đối với những thanh niên con nhà nòi, có cha từng phục vụ trong ngành an ninh như ông Putin, KGB rất quan tâm theo dõi để ưu ái trong việc tuyển dụng) .
Suốt thời gian Volodia học luật, anh không thấy ai từ KGB tới tìm mình cả. Hơn ba năm đã trôi qua. Volodia không quay lại trụ sở KGB thêm lần thứ hai vì còn nhớ câu nói “các chú không nhận những ai tự có sáng kiến”. Bất ngờ, ở năm thứ tư, có một người tìm tới Volodia Putin và đề nghị gặp gỡ. Ông ta không nói ông ta ở đâu, nhưng Volodia lập tức linh cảm rõ mọi sự vì ông ta bảo: “Có chuyện liên quan tới việc phân công công tác cho cậu và tôi cần gặp cậu để bàn bạc. Hiện giờ tôi còn chưa muốn nói cụ thể hơn”. Chưa muốn nói cụ thể tức là đã cụ thể rồi. Hai người hẹn gặp lại ngay tại khoa luật LGU, ở chỗ gửi quần áo.
Đúng hẹn, Volodia đứng chờ. Gần 20 phút trôi qua, Anh đã bắt đầu rủa thầm rồi thất vọng nghĩ: “Khỉ thật, hay là có ai bầy trò lỡm mình?!” Thế nhưng khi anh định bỏ đi thì cái người đã hẹn anh sồng sộc chạy tới, vừa thở, vừa nói:
- Xin lỗi nhé!
Volodia cảm thấy thích tác phong giản dị này ngay. Người kia nói tiếp:
- Volodia này, phía trước còn nhiều thời gian nhưng cậu nghĩ thế nào nếu người ta đề nghị cậu vào làm việc trong “cơ quan”?
“Cơ quan” ở đây có nghĩa là cơ quan an ninh, là KGB. Cách nói tắt này quá quen thuộc với người Nga. Volodia không thổ lộ với vị khách hôm đó về ước mơ từ thời thơ ấu của mình. Anh chỉ lặng lẽ gật đầu!
Mọi sự lại lắng đi cho tới đợt phân công công tác cho các sinh viên khóa tốt nghiệp năm 1975. Khi xét đến tên họ Vladimir Putin, đại diện Sở Tư pháp nói: “Chúng tôi sẽ lấy anh này về đoàn luật sư”. Ngay lập tức, vị phái viên phụ trách mọi chuyện liên quan tới KGB ở LGU, trước đấy như đã ngủ gà gật ở góc phòng, bật dậy nói ngay: “Không, vấn đề này đã được quyết định rồi, chúng tôi sẽ đưa anh đó về KGB”. Đôi khi, những ước mơ cháy bỏng lại trở thành hiện thực một cách giản dị như vậy.
Vài hôm sau, Vladimir Putin ký những giấy tờ cần thiết và về làm ở ban thư ký trong chỉ huy sở. Nửa năm sau, anh được cử đi học nghiệp vụ ở một cơ sở nằm ở ngay Leningrad. Rồi anh được chuyển tới phòng phản gián và làm việc tại đó khoảng 5 - 6 tháng. Chính trong giai đoạn đó, bộ phận tình báo đối ngoại đã để ý tới vị Tổng thống tương lai của nước Nga.
Sự nghiệp gian nan
Thực tế cơ quan an ninh không hẳn đã như những điều mà Vladimir Putin hình dung qua sách vở. Là một trí thức được đào tạo chu đáo, anh vào làm việc trong đội ngũ có cả những người gấp đôi tuổi của mình. Đó là những nhân viên KGB có kinh nghiệm và cái nhìn cuộc sống hết sức đặc thù. Trong Tự thuật, Tổng thống Nga kể lại: “Một lần tôi cũng được đưa vào tham gia vào một chiến dịch. Tôi không nhớ rõ chi tiết nữa, nhưng có một người nói: “Chúng ta sẽ làm cái này, làm cái kia. Các anh đồng ý cả chứ?” -Tôi thốt lên: “Không, làm thế không đúng đâu.” -“Sao vậy, thế nào là không đúng?” -“Vì làm thế là trái với pháp luật.” - Anh kia ngạc nhiên: “Pháp luật nào cơ?” -Tôi nói ra điều luật cụ thể. Thế nhưng, họ đáp lại: “Chúng ta đã có chỉ thị rồi.” Tôi lại nói về các điều luật. Họ lại không hiểu gì cả. Tôi nói: “Chỉ thị đâu có phải là pháp luật?”- Anh bạn đồng nghiệp của tôi thực sự kinh ngạc: “Đối với chúng ta, chỉ thị chính là pháp luật.” Anh đã nói vậy một cách chân thành tuyệt đối, không hề có chút gì châm biếm. Các anh ấy đã được giáo dục như thế, đã quen làm việc như thế. Còn tôi thì không thể. Không chỉ riêng tôi mà đại đa số những người thuộc thế hệ của tôi đều như vậy.”
Dẫu sao, KGB cũng không làm cho Vladimir Putin thất vọng. Cho tới hôm nay, Tổng thống Nga vẫn nhớ lại nhiều người bạn đồng nghiệp của mình với tình cảm mến và trọng vì theo ông, những người cộng sản này “rất lương thiện”.
Cũng chính vì đã lọt vào “mắt xanh” của tình báo đối ngoại nên ông Putin được cử đi học nghiệp vụ đặc biệt khoảng 1 năm tại Moskva. Rồi người sĩ quan trẻ lại trở về thành phố quê hương và được phân về Cục 1, tức là cơ quan phản gián, bộ phận “ưu tú” của ngành an ninh Xôviết. Sau bốn năm rưỡi cố gắng thể hiện mình trong công việc thú vị nhưng không giản đơn này, năm 1983, Vladimir Putin được vào học ở Trường đại học Cờ đỏ mang tên Yuri Andropov (KI), nay là Học viện tình báo đối ngoại ở Moskva. Khi đó, ông là thiếu tá. Tại KI, với cái tên mật Platov, vị Tổng thống tương lai đã gây ấn tượng rất tốt với các giảng viên nhờ cách ứng xử chuẩn mực, chân thành và trung thực của mình. Dù trời có nóng vã mồ hôi đến mấy nhưng mỗi khi lên gặp thầy, học viên Platov vẫn đóng đủ bộ y phục công vụ...
Ngay từ khi vào trường, vị Tổng thống tương lai đã hiểu ra ngay rằng, ông được chuẩn bị cho công tác ở Đức. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ cần xác dịnh rằng ông sẽ sang Đông Đức hay Tây Đức... Ngành phản gián Xôviết ở những năm 80 - 90 thế kỷ XX đã bộc lộ khá nhiều điểm yếu, trong đó có tệ nạn “con ông cháu cha” hay được phân công vào những chỗ béo bở (như sang phần phát triển nhất của chủ nghĩa tư bản) nên không phải lúc nào một sĩ quan có trình độ nghiệp vụ tốt cũng được phân công đi làm ở những hướng tốt nhất. Đối với người Nga trong những năm70 - 80, nước Đức được coi như một dạng "thiên đường" vì mức sống cao hơn hẳn và các tập tục văn minh hơn.
Theo lời ông Putin kể lại, tốt nghiệp KI, ông được cử sang công tác ở CHDC Đức cũ vào cuối năm 1984 đầu năm 1985 (vợ ông phải tới năm 1986 mới sang cùng chồng), thế chỗ cho một người đồng hương Saint Peterburg đã hết nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài. Viên sĩ quan tình báo trẻ được biên chế vào Nhóm các lực lượng miền Tây của Liên Xô, trụ sở đóng tại Dresden, một thành phố cổ kính từng được lần đầu nhắc tới trong sách vở từ năm 1216.
Về đoạn đời làm việc ở Đức của Vladimir Putin cho tới nay vẫn tồn tại nhiều thông tin khác nhau. Báo chí phương Tây cho rằng, ở Đức, điệp viên Putin đã có sơ suất nên khi hết hạn công tác trở về nước, ông không được lên thêm một cấp quân hàm như các trường hợp thông thường khác. Còn đương kim Tổng thống Nga lại nói, ông đã hoàn thành nhiệm vụ ở CHDC Đức cũ vì trong thời gian ông ở đó, ông đã hai lần được thăng cấp (thông thường, những người khác trong một nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài, chỉ được một lần thăng cấp thôi). Nói chung, ông Putin rất kín đáo khi kể về công việc của mình ở CHDC Đức.
Ta thử theo dõi một trích đoạn trả lời phỏng vấn của ông trong cuốn Tự thuật:
Nhà báo: Người ta bảo rằng, ông từng tham gia chiến dịch “Tia sáng”. Đó là chiến dịch gì vậy?
V.P: Tôi không biết đích xác. Tôi không làm việc này. Chính tôi cũng không biết nó có được tiến hành hay không. Theo tôi hiểu, có lẽ đó là công việc liên quan tới ban lãnh đạo chính trị CHDC Đức. Tôi không dính dáng gì tới nó cả.
- Nhưng người ta bảo chính ông đã kiểm soát cựu bí thư thành uỷ Dresden, Hans Modrof?
- Tôi có gặp Modrof đâu đó hai ba lần tại các buổi tiếp tân chính thức. Chỉ có vậy thôi. Ông ấy tiếp xúc với những người ở cấp độ khác tôi - thí dụ như tư lệnh tập đoàn quân, trưởng sĩ quan liên lạc... Nói chung, tôi không làm những việc liên quan tới các quan chức đảng. Kể cả về phía chúng ta. Đấy là việc cấm.
- Thế không phải ông đã thu thập được tài liệu về máy bay tiêm kích “Eurofighter”ư?
- Tôi không làm tình báo kỹ thuật. Sao họ lại bịa chuyện về tôi như thế nhỉ? Thực nhảm nhí!
- Có lẽ làm vậy để cho giống một siêu điệp viên! Còn ông thì lại từ chối tất cả. Vậy vì sao mà ông lại được thăng cấp?
- Vì những thành tích cụ thể trong công việc. Chúng được đo bằng số lượng những đơn vị thông tin tuyển lựa được. Tôi thu thập những thông tin từ những nguồn nằm trong khu vực tôi phụ trách, biên soạn lại rồi gửi về chỉ huy và nhận được những đánh giá cụ thể.
- Ông trả lời như một điệp viên, tức là không trả lời gì cả. Còn cựu thủ trưởng của cơ quan tình báo Đông Đức Markus Volf đã xúc phạm tới ông. Ông Volf cho hay rằng, huy chương đồng “Vì những công trạng đối với Quân đội nhân dân CHDC Đức” đã từng được trao cho ông, gần như là cô thư ký nào cũng được nhận, nếu như cô ấy không có sai phạm gì lớn.
- Markus Volf nói đúng và chẳng có gì xúc phạm tới tôi trong lời lẽ của ông ấy cả. Ngược lại là đàng khác. Ông ấy đã khẳng định lại giúp tôi rằng, tôi đã không có sai phạm gì lớn. Tuy nhiên, theo tôi, huy chương đó không phải tên là “Vì những công trạng...”, mà là “Vì những công trạng nổi bật đối với Quân đội nhân dân CHDC Đức”.
- Ông có lo là sẽ có những bài báo nào đó giật gân về ông từ nước Đức không? Chẳng hạn khi cuộc bầu cử tới gần...
- Không, nói thực là không!
Tổng thống Nga Putin chúc mừng sinh nhật vị chỉ huy cũ Lazar Matveyev.
Ông Putin có thể không lo nhưng các nhà báo phương Tây vẫn cố gắng đi tìm lại dấu vết quá khứ của ông ở Đức. Đó là nghề của họ! Ngày 8/1/2000, báo Đức Saechsische Zeitung, dẫn các nguồn tin mà tòa soạn cho là của tình báo CHLB Đức, khẳng định, Vladimir Putin từng đến Đức lần đầu là vào năm 1975 (chứ không phải là vào năm 1984). Khi đó, ông mang danh nghĩa phóng viên thường trú của TASS, hãng thông tấn chính thức của Liên Xô. Hồi cuối những năm 70, ông bị trục xuất khỏi Tây Đức vì tội danh làm tình báo... Tính chính xác của thông tin này tới nay vẫn chưa được kiểm chứng.
Còn theo một nguồn tin báo chí khác ở phương Tây, tháng giêng năm 1990, ông Putin đã tuyển mộ cho KGB một nhân viên cơ quan an ninh CHDC Đức (Stazi) tên là Claus Zuhold. Tới cuối năm 1990, y đã “chuyển làn” sang hợp tác với phía Tây Đức và cung cấp cho đối phương tên họ 15 điệp viên người Đức trong mạng lưới của KGB ở Dresden, Leipzig, Tây Berlin... Những người này đã bị bắt vào mùa xuân năm 1993.
Sau khi Zuhold đào tẩu, Vladimir Putin với trách nhiệm là người đã tuyển mộ y làm việc cho KGB, bị triệu hồi về nước. Khi ấy, ông đang là trung tá…
Mới đây, Claus Zuhold ở tuổi 43 đã kể trên tờ The Sunday Times (Anh) những gì y biết về đương kim Tổng thống Nga. Theo lời y, lần đầu y gặp mặt Vladimir Putin là vào năm 1985.
Trong 5 năm hai bên đã gặp gỡ vô số lần.
Theo lời kể của Claus Zuhold:
- Có lần, vào mùa hè, ông ấy đi picnic tới khu vườn nhà tôi. Đó là khu vườn nhỏ, nằm đối diện với doanh trại các đơn vị Xôviết. Tôi kể một cách hài hước về chuyện binh lính lấy trộm rau trong vườn nhà tôi thế nào. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy ông ấy bật cười một cách khoái trá thực sự... Nói chung, Putin là người ít lời, thường để cho những người khác nói ra mọi sự. Phong thái ông ấy cởi mở, thân thiện và bằng cách này khêu gợi người khác cởi mở với mình, nhưng lại luôn kiểm soát hành vi của mình một cách chặt chẽ.
Trong các cuộc nhậu, bao giờ Vladimir Putin cũng cố gắng uống ít hơn những người ngồi cùng bàn từ ba cốc trở lên... (Còn theo lời nhận xét của một chủ quán bar ở Dresden, từng biết Vladimir Putin thời ông công tác tại CHDC Đức, ông là người mà vừa "trông mặt" là ta có thể "bắt hình dong" ngay được rằng đấy là một điệp viên. Tới quán bar nghe ngóng tin tức, Volodia có thể “một cốc bia uống cả mùa hè mới hết”!) Thực ra, vị Tổng thống tương lai rất thích bia Đức và uống khá nhiều bia.
Theo chính lời ông kể lại, ở CHDC Đức, mỗi tuần ông đi tới vùng Radeberg (nơi có nhà máy sản xuất loại bia hơi ngon nhất Đông Đức) mua một bình 3,8 lít bia về cho cả 7 ngày sau... Cũng vì thường xuyên uống bia nhiều mà Vladimir Puin trên đất Đức đã tăng lên tới 85 ký. Về sau, tập thể thao mãi ông mới hạ được mức nặng trung bình xuống còn 75 kg...
Cũng phải nói rằng, Vladimir Putin luôn có thái độ châm biếm khi đề cập tới những thông tin mà báo chí phương Tây nói về ông. Trong Tự thuật, ông nói rằng, ở CHDC Đức ông đã làm việc trong lĩnh vực tình báo chính trị, tức là thu thập thông tin về các chính khách và các kế hoạch của đối thủ tiềm tàng. Những gì mà chúng tôi vừa trích dẫn từ The Sunday Times hay Saechsische Zeitung có lẽ chỉ nên coi như những tư liệu tham khảo, đọc cho vui!..
Vladimir Putin đã chứng kiến tận mắt những việc diễn ra ở CHDC Đức tháng 11-1989, lúc bức tường Berlin bắt đầu sụp đổ. Trong Tự thuật, ông kể lại: “Chúng tôi đã tiêu hủy tất cả, những quan hệ, đầu mối, những mạng lưới. Chính tôi đã tự đốt vô số tài liệu. Chúng tôi đốt nhiều tới mức lò đốt bị nổ. Chúng tôi đốt cả ngày lẫn đêm. Những gì quí giá nhất đều được chuyển về Moskva. Nhưng chúng không còn ý nghĩa tác chiến gì nữa vì mối quan hệ đã bị ngưng trệ, công việc với các nguồn thông tin bị ngừng lại bởi lý do an ninh, tài liệu bị hủy bỏ hay đưa vào lưu trữ...”
Rồi các đám đông người Đức lao vào phá hủy toà nhà của cơ quan an ninh CHDC Đức ở Dresden. Họ cũng bao vây trụ sở chi nhánh KGB nằm cạnh đó. Vadimir Putin đi ra cổng trò chuyện với họ. Ông nói rằng, đây là trụ sở cơ quan quân sự Xôviết. Những người dân Đức hỏi: “Thế tại sao xe của các ông lại mang biển số CHDC Đức?” - Viên trung tá Nga mặc đồ dân sự trả lời: “Vì có hiệp định cho phép như thế.” - Những người Đức lại hỏi: “Thế ông là ai mà nói thạo tiếng Đức vậy?” - Vladimir Putin đáp: “Tôi là phiên dịch!”.
Để tránh trường hợp xấu nhất, ông gọi điện thoại tới chỉ huy tập đoàn quân Xôviết đóng ở CHDC Đức, yêu cầu được bảo vệ. Đáp lại chỉ là một thái độ thụ động gần như bàng quan với lý do “Không thể làm gì nếu không có lệnh từ Moskva mà bây giờ thì Moskva lại đang im như thóc.” Vị Tổng thống tương lai chợt hiểu ra điều quan trọng nhất: đất nước vĩ đại của ông dường như đã bị tê liệt tới mức có cảm giác không còn nó nữa!
Đây là tâm trạng của Vladimir Putin trong tháng 11/1989: “Rõ ràng là Liên Xô đã bị trọng bệnh. Căn bệnh chết người, vô phương cứu chữa, có tên gọi là tê liệt. Tê liệt bộ máy chính quyền... Quả thực là tôi hiểu rằng không thể nào tránh khỏi việc này. Nếu nói chân thành, tôi chỉ thấy tiếc cho những vị trí mà Liên Xô đã có được ở Đông Âu thôi, dẫu tôi hiểu rõ ràng rằng, vị thế được duy trì trên những bức tường và hào nước không thể nào tồn tại mãi mãi. Nhưng tôi cũng muốn rằng, thay thế cái đó phải là cái gì khác cơ. Nhưng đã không có gì khác cả. Thật tức tưởi. Đơn giản là chúng ta đã bỏ mọi sự và ra đi”. Theo ông Putin, Moskva “có lẽ đã tránh được rất nhiều vấn đề, nếu đã không bỏ chạy toán loạn như vậy”…
Trong buổi tới chúc sinh nhật lần thứ 90 của người chỉ huy cũ đầu tháng 5 này, ông Putin đã nâng ly với lời phát biểu xúc động: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những gì mà ông đã làm cho đất nước và cho chúng tôi, chúng tôi vẫn còn nhớ rõ những việc đó. Đối với chúng tôi, đó đã là một trường học rất tốt. Cả về cuộc sống, cả về tình người nói chung, cả về chuyên môn. Chúng tôi biết ông đã coi trọng công việc như thế nào và đó là tấm gương tốt đối với chúng tôi…”.