Sức hút đầu tư ngoại

T.Hằng 02/08/2017 08:05

Trong khi các ngành hàng công nghệ, ngân hàng ít nhà đầu tư ngoại thì lĩnh vực sản xuất ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống lại ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Thị trường đồ uống Việt đang hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với quy mô dân số gần 100 triệu, Việt Nam đang là khu vực đầu tư khiến bất kỳ đại gia ngành hàng tiêu dùng thực phẩm nào cũng phải khát khao, dù cạnh tranh trong lĩnh vực này vô cùng khốc liệt.

Có thể kể tên vô số đại gia chế biến thực phẩm - đồ uống của cả trong và ngoài nước đang hiện diện ở thị trường Việt Nam như: Masan, Visan, CP, Dabaco, Japfa Comfeed…

Đánh hơi được thị trường tiềm năng, nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp tục tìm cách đổ vốn vào thị trường nội địa thông qua các hình thức góp vốn, mua lại một phần hay toàn phần các công ty con.

Điển hình cho hoạt động thâu tóm là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan. Tính đến nay, Masan đã mạnh tay chi hàng hục ngàn tỷ đồng để mua lượng lớn cổ phần trong các công ty con, công ty liên kết, tiêu biểu là thương vụ mua lại cổ phần của Vina Cafe Biên Hòa, Anco, Cholimex, Vissan…

Giới chuyên gia cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang tìm hiểu để đầu tư vào công nghiệp thực phẩm nước ta.

Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực chắc chắn làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm sẽ còn tăng mạnh.

Mới đây nhất, trên báo chí, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, bà Lý Kim Chi nói, mức độ đổ bộ mạnh của doanh nghiệp ngoại hoạt động trong ngành thực phẩm thời gian gần đây, cho thấy thị trường này tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn.

Một số thương hiệu mạnh của doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn trong nước cũng đã rơi vào tay doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều quan tâm đặc biệt đến ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Nổi bật nhất phải kể đến nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia này như Central Group, Aeon hay Berli Jucker, đã tăng cường mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp tiêu dùng tại Việt Nam và có những thành công nhất định trong việc mở rộng thị trường.

Dự báo thời gian tới, các giao dịch mua bán sáp nhập trong ngành tiêu dùng sẽ tiếp tục diễn ra nhộn nhịp với giá trị mỗi thương vụ ngày càng lớn.

Thông tin từ thị trường cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi đã lâu, sẵn sàng chi tiền lớn để mua lại cổ phần một số doanh nghiệp trong ngành hàng đồ uống, tiêu dùng.

Đơn cử, cổ phần tại các hãng bia Việt Nam như Habeco và Sabeco đang nằm trong tầm ngắm của những “ông lớn” như Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken của Đan Mạch và Anheuser-Busch InBev của Bỉ.

Được biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 5035/UBCK-PTTT về việc áp dụng quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài để trả lời Công văn số 5061/BCT-PC ngày 9/6/2017 của Bộ Công thương về việc áp dụng quy định pháp luật chứng khoán về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị Bộ Công thương xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco theo hướng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại 2 đơn vị này là 49% để trình Chính phủ xem xét giải quyết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư cho rằng, ngành hàng thực phẩm đồ uống đang chiếm tỷ lệ rất cao trên chứng khoán. Ngành hàng này ngày càng nóng lên với sự thèm muốn của hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

T.Hằng