Những mảnh đời dời quê lên phố

Lê Anh 02/08/2017 08:30

Mức lương chưa đủ sống buộc nhiều công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) phải tăng ca để cải thiện thu nhập. Hầu hết người lao động phải chịu nhiều áp lực mưu sinh xa nhà trong thời đại công nghiệp hóa, khi họ bắt buộc phải rời quê lên phố.

Nhu cầu về nhà lưu trú cho công nhân ngày càng lớn (Ảnh: Hồng Phúc).

Tăng ca để… đủ sống!

Theo ông Trần Duy Biên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Daeyun Việt Nam (KCX Linh Trung 1, Q.Thủ Đức), hiện thu nhập của lao động phổ thông còn thấp và không đảm bảo được cuộc sống của họ. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng mới chỉ đạt 3,75 triệu đồng/người/tháng (vùng I).

“Phải nói là lương của những lao động trực tiếp sản xuất còn thấp lắm! Lẽ ra lương tối thiểu của họ phải đủ sống, còn tăng ca chỉ là tích lũy thêm cho họ để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu khác. Nhưng thực tế họ buộc phải tăng ca vì lương không đủ sống, chưa nói họ không có các điều kiện giải trí và tham gia các hoạt động xã hội…”, đại diện công đoàn công ty Daeyun chia sẻ.

Nhiều cán bộ công đoàn mẫn cán cũng thừa nhận, hầu hết lao động phổ thông hiện nay không thể sống phụ thuộc vào lương và hầu hết chỉ có lựa chọn bằng cách tăng ca.

Ở nhiều công ty thì đây là hình thức cực chẳng đã vì họ đều phải làm quá 8 tiếng mỗi ngày. Thậm chí công nhân, người lao động muốn đảm bảo cuộc sống bắt buộc phải tăng ca tới 20 giờ, thậm chí 21 giờ đêm. Cũng không ít doanh nghiệp báo cáo trả lương cao hơn lương tối thiểu nhưng thực tế sự chênh lệch này là rất ít.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam tại TP.HCM cho biết, một thực tế hiện nay ở nhiều doanh nghiệp chưa có nhà lưu trú cho công nhân.

Trước đây, khi xây dựng các khu lao động như nông trường thì kèm theo đó là nhà ở, nhà trẻ… để giúp người lao động yên tâm làm việc.

Thành phố có khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây nhà lưu trú cho người lao động nhưng nhiều KCN, KCX với hàng trăm nghìn lao động về làm việc thì tỷ lệ khu lưu trú, nhà trẻ, nhóm trẻ…còn chưa tương xứng với nhu cầu.

Điều này khiến cuộc sống của nhiều người lao động rất bấp bênh do phải trích tiền lương ít ỏi vào các hoạt động thuê ở trọ lẫn tìm nơi trông giữ trẻ cho con em mình.

Bà Nguyễn Đoàn Thi Phượng, cán bộ Liên đòan Lao động Quận 8 bày tỏ lo lắng về chất lượng bữa ăn công nhân do tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian gần đây.

Theo đó, nhiều bếp ăn công nhân tập thể chưa đảm bảo, còn xảy ra ngộ độc thức ăn khiến công nhân lo lắng, không tập trung hoàn toàn cống hiến cho công ty, doanh nghiệp.

Bà Phương kiến nghị, TP HCM cần tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở cung cấp thức ăn, bếp ăn tập thể để đảm bảo các cơ sở thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh việc xử phạt nghiêm nếu phát hiện các trường hợp vi phạm.

Sẽ vào cuộc

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, hiện chính quyền thành phố cùng các ban ngành chức năng đang phấn đấu xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội; 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân, người lao động tại các KCN và 10.000 chỗ ở tập trung cho sinh viên.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 9 dự án nhà ở công nhân, với tổng diện tích hơn 23 ha, quy mô 5.727 phòng, đáp ứng 35.780 chỗ lưu trú cho công nhân.

Mục tiêu của thành phố là đa dạng hóa đối tượng phục vụ, đầu tư xây dựng nhiều loại nhà ở xã hội để bán, cho thuê, phù hợp với các đối tượng…

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, để đảm bảo yêu cầu thiết thực của người lao động, hiện nay thành phố sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân có từ 1 - 2 phòng ngủ với diện tích từ 25-77 m2.

Theo ông Tuyến, giá của mỗi căn nhà ở xã hội thành phố sẽ đảm bảo từ 300 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng để phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng.

Về các công trình hạ tầng phục vụ cho con em người lao động, theo bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP, đến nay thành phố đã đưa vào sử dụng 10 trường mầm non phục vụ cho con em công nhân, người lao động trong các KCN, KCX trên địa bàn.

Tuy nhiên, bà Yến cho rằng nhu cầu hiện nay là rất lớn và đòi hỏi thành phố tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa đến đời sống công nhân.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, dù thành phố còn nhiều vấn đề mũi nhọn cần ưu tiên giải quyết (ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, lấn chiếm vỉa hè, an ninh trật tự…), nhưng UBND TP sẽ có những quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân, đặc biệt là các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân.

Ông Phong cũng yêu cầu các ban ngành, quận huyện tham gia vào hỗ trợ giải quyết khó khăn về nhà ở cho công nhân, kế đến là các vấn đề về an toàn thực phẩm, nhà trẻ cho con công nhân, quan tâm công tác đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động.

Lê Anh