Đợt 1 tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017: Đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Hương Liên 02/08/2017 08:15

Ngày 1/8, Bộ GD&ĐT đã thông tin nhanh về tình hình xét tuyển sinh chính quy đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm.

Theo đó, ngay trong đợt 1 xét tuyển, đã có 170 trường tuyển đủ 100% chỉ tiêu, nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Từ ngày 2-8, đến hết 17h ngày 7-8, thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển.

Ảnh minh họa.

53% tổng số trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu

Cụ thể, năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) là 865.975 thí sinh. Trong đó, số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT là 225.550, số thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH, CĐ là 640.425 (73,95%).

Tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ đến khi xét tuyển là 445.626 (chỉ tiêu xét học bạ 93.452; chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia 352.174).

Số đơn vị tuyển sinh là 336, trong đó có 322 đơn vị tuyển sinh từ kết quả thi THPT (bao gồm cả sử dụng kết quả thi và phương thức khác); 14 đơn vị chỉ tuyển sinh từ phương thức khác, không sử dụng kết quả thi THPT.

Tổng số nguyện vọng ĐKXT cùng ĐKDT là 2.552.518. Số thí sinh ĐKXT nguyện vọng 1 trên điểm sàn là 424.105, tỉ lệ số dư là 1,39 (không tính chỉ tiêu và tổ hợp có môn năng khiếu do các trường tổ chức thi, kiểm tra).

Số thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực là 17.558. Số thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực đã đăng ký nhập học là 8.373 (đã đưa ra khỏi hệ thống xét tuyển đợt 1).

Về điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số có 300.012 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (chiếm 46,84% số thí sinh ĐKXT ban đầu); trong đó trực tuyến là 246.542, chiếm 82% tổng số điều chỉnh nguyện vọng; bằng phiếu là 53.470, chiếm 18%.

Về xét tuyển, trong thời gian từ ngày 26 đến 30/7, các trường, nhóm trường với 322 mã tuyển sinh đã thực hiện xét tuyển. Như vậy, trong đợt 1, đã có 170 trường tuyển đạt chỉ tiêu 100%, chiếm 53% tổng số trường. Bên cạnh đó, vẫn còn tới 58 trường mới chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu.

Nhân văn với thí sinh, đảm bảo quyền tự chủ của các trường

Bộ GD&ĐT đánh giá, thí sinh được ĐKXT không giới hạn nguyện vọng, đặc biệt là sau khi có điểm thi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với các điều kiện tuyển sinh, kết quả làm bài, qua đó nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề theo nguyện vọng, sở trường… Điều này được thí sinh, các nhà trường và xã hội ủng hộ, đánh giá cao.

Theo Bộ GD&ĐT, đây là quy định rất nhân văn đối với thí sinh bởi khi ĐKXT lần đầu, thí sinh được thể hiện nguyện vọng và định hướng lựa chọn ngành nghề ban đầu cho mình, nhưng do chưa biết điểm thi và tương quan điểm giữa những thí sinh cùng thi nên vẫn có rủi ro.

Vì vậy, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi giúp cho thí sinh xác định chính xác hơn khả năng của mình, qua đó có thể trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Bộ GD&ĐT đánh giá, quá trình tuyển sinh đã bảo đảm quyền tự chủ của các trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỉ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…) theo đúng quy định của pháp luật. Các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết đầy đủ cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.

Giảm áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung

Về kỳ thi tuyển sinh 2017, theo Bộ GD&ĐT, đã áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả các khâu đăng ký dự thi, ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển… để bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch.

Các phần mềm chuyên dụng đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo.

Ngay trong đợt 1, đã có tới 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này là 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).

Điều này cho thấy công tác tuyển sinh đại học năm 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.

Bên cạnh đó, 2 nhóm xét tuyển chung đã thu hút nhiều thành viên (56 trường phía Bắc và 86 trường phía Nam). Đặc biệt là hầu hết các trường lớn đã tham gia, phối hợp sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh một cách hiệu quả.

Vai trò tích cực của trường chủ trì và sự hợp tác giữa các nhóm trường đã giúp cho việc triển khai quy trình tuyển sinh nhanh gọn, thuận lợi, bảo đảm tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên trong việc cùng nhau xét tuyển và lọc ảo.

Kết quả tuyển sinh đợt 1 bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng.

Nhờ công tác chuẩn bị tốt, phối hợp tốt nên chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện quy trình xét tuyển, về cơ bản, công tác tuyển sinh đã được giải quyết ở đợt 1. Tỉ lệ trúng tuyển đợt 1 cao nên sẽ còn ít trường phải xét tuyển bổ sung.

Bộ GD&ĐT cho rằng phương thức tuyển sinh năm 2017 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, bảo đảm khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi, tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29; được xã hội, thí sinh và các trường đánh giá tốt. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện quy chế, quy trình… áp dụng cho những năm tiếp theo.

TS Phan Hồng Dương - Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, công tác tuyển sinh năm nay nhẹ nhàng, hiệu quả.

“Để có được kết quả như vậy, theo tôi quan trọng nhất là chủ trương nhất quán của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Tiếp đến phương án tuyển sinh của các trường cũng chặt chẽ” - TS Phan Hồng Dương phân tích. Về việc một số thí sinh có điểm cao như trường hợp của Trường ĐH Y Hà Nội mà vẫn bị trượt, theo TS Phan Hồng Dương, là không nhiều. M.P

Hương Liên