Xác định tranh giả - tranh thật, dễ hay khó?
Gần hai tuần qua lại lùm xùm với nghi vấn tranh giả - tranh thật tại một nhà đấu giá ở Hà Nội, từ đó xới lên vấn đề cũ: Xác định tranh giả - tranh thật, dễ hay khó? Hoàn toàn có thể trả lời ngay: Không dễ.
Bức “Phố cũ” được giới thiệu của Bùi Xuân Phái được đấu giá ngày 30/7.
Tại các nước phát triển, với đội ngũ giám định đa dạng, máy móc hiện đại, chuyên sâu, nhưng việc xác định cũng gặp không ít khó khăn. Đôi khi phải chấp nhận kết quả 50/50; thậm chí nhiều trường hợp giả tinh vi còn qua mặt được các hội đồng và máy móc.
Đơn cử như chuyện Wolfgang Beltracchi (người Đức) bị bắt sau gần 35 năm làm giả hàng ngàn tác phẩm của các danh họa, lừa được các bảo tàng và nhà đấu giá hàng đầu thế giới để kiếm hàng chục triệu USD.
Đức là một trong vài nước siêu việt nhất về khả năng thẩm định tranh giả - tranh thật, vậy mà gần nửa thế kỷ nay Wolfgang Beltracchi vẫn hiện diện như là một họa sĩ tài hoa.
Với những tác phẩm bị nhận cáo buộc là tranh chép, thì phía đưa ra cáo buộc phải chứng minh được bức tranh gốc đang ở đâu. Nếu phía bị cáo buộc không chấp nhận thì việc xét nghiệm tuổi bằng đồng vị phóng xạ và chụp cắt lớp bề mặt chất liệu sẽ được áp dụng cho cả bức thật và bức được cho là không thật. Trường hợp này chỉ áp dụng cho các bức tranh chép, nghĩa là có bức nguyên bản, còn tranh vẽ nhái phong cách thì chịu thua, vì làm gì có bức gốc mà so sánh.
Việc xét nghiệm này chỉ là một tham số để tham cứu cho hồ sơ pháp lý của bức tranh, chứ không phải là cơ sở sau cùng để xác định tranh giả - tranh thật. Bởi thực tế cho thấy có khi chính họa sĩ vẽ vài phiên bản trong một tháng, một năm, trên cùng loại vật liệu, thì việc xét nghiệm là vô nghĩa.
Đôi khi, người làm tranh giả sống cùng thời với họa sĩ gốc, nghiên cứu kỹ bút pháp và vật liệu, việc làm giả sẽ rất tinh vi. Sinh thời, theo lời họa sĩ Ngô Minh Cầu, ông chép tranh lụa để đoàn ngoại giao đi tặng các nước, khi mang đến nhà cho danh họa Nguyễn Phan Chánh xem và ký tên, ông Chánh tưởng bức tranh thất lạc của mình vừa tìm lại được.
Với tranh Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) chẳng hạn, sinh thời ông dùng sơn dầu chủ yếu đến từ Liên Xô, Đông Âu và một phần từ Trung Quốc, đây là một cơ sở để nghiên cứu. Những năm tháng Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế (giữa thập niên 1995), nhiều nơi làm giả - làm nhái tranh Bùi Xuân Phái đã không dùng sơn dầu Liên Xô, Đông Âu, vì hơi khó tìm mua. Sau hơn 20 năm hiện diện, sự khác biệt chất lượng bề mặt của sơn dầu Liên Xô, Đông Âu và các nước khác là khá rõ ràng.
Hơn nữa, ở những nước phát triển, các danh họa lớn thường có đội ngũ nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, nghiên cứu vật liệu và phê bình phong cách chuyên trách, khi cần thì tiếng nói của họ là một cơ sở tham chiếu quan trọng. Nền nghệ thuật Việt Nam còn những manh mún, bất cập và cảm tính, nên thường thiếu các chuyên gia hẹp, vì họ phải làm diện rộng mới đủ sức tồn tại. Ai là chuyên gia hàng đầu về tranh giả - tranh thật của Bùi Xuân Phái tại Việt Nam? Có thể trả lời là chưa có.
Cuối cùng, tất cả những điều đã nêu trên đây, dù chưa đầy đủ, đều liên quan đến chi phí cao, điều mà thực tế tại Việt Nam cũng chưa đáp ứng được. Ví dụ như bức “Phố cũ” vừa lên sàn đấu, giá khởi điểm là 8.000 USD, thì liệu chủ nhân hoặc các đơn vị liên quan có chịu chi một khoản không nhỏ để làm các bước như thẩm định, xét nghiệm, chụp cắt lớp? Máy móc và nhân sự cho những việc này cũng chưa có đủ tại Việt Nam. Khó xác định tranh giả - tranh thật là vì vậy.