Vốn ngoại ồ ạt đổ vào bất động sản
Được đánh giá khá cao về lợi suất đầu tư và nền tảng kinh tế tiếp tục tăng trưởng nên nhiều nhà đầu tư ngoại tìm đến với Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều dự án lớn đã và đang chờ đợi để tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản trong nước ở hầu hết các phân khúc như: nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp…
Ngày càng nhiều dự án nhà ở được doanh nghiệp ngoại rót vốn đầu tư.
Ông Regina Lim - Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn tại Đông Nam Á của JLL thông tin, các quốc gia Đông Nam Á ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư bất động sản.
Tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh và vốn đầu tư tăng đáng kể ở hầu hết các ngành trong những tháng gần đây, những chỉ số này đã phần nào cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Vị này dẫn chứng, trong nửa đầu năm 2017, Singapore đón nhận lượng vốn đầu tư nhảy vọt, đạt hơn 2,2 tỷ USD (3 tỷ SGD) vào phân khúc bất động sản văn phòng.
Tại Việt Nam nền kinh tế đang có triển vọng trong dài hạn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 5,1%, nhưng dự kiến có thể tăng lên 6,3% cho cả năm. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “chảy” mạnh vào Việt Nam.
Theo đó, lượng vốn FDI đang không ngừng gia tăng trong những năm qua. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam thu hút khoảng 19,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Theo Tổng cục Thống kê, trong những tháng đầu năm, thị trường bất động sản tiếp tục trên đà tăng trưởng ổn định. Thu hút vốn FDI 5 tháng đầu năm trong bất động sản đạt hơn 600 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện có nhiều dự án lớn khởi động đang chờ đợi để đổ vào thị trường bất động sản trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp…
Điển hình, Tập đoàn Mercatus đầu tư 1,6 tỷ USD (2,2 billion SGD) cho trung tâm mua sắm Jurong Point Singapore tại quận 2 TP HCM.
Đây được xem là một trong số các giao dịch bất động sản thương mại lớn nhất khu vực. Ở một khu vực dân cư phổ biến khác của thành phố, Tập Đoàn đầu tư An Gia và đối tác Creed Group (Nhật) tiếp tục “thâu tóm” 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 của tập đoàn Vạn Phát Hưng, với giá trị 910 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD).
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, thị trường Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư mặc những rủi ro vốn có và các loại hình bảo hiểm đang phát triển phức tạp.
Trong lúc cả lợi suất đầu tư và nền tảng kinh tế đều tiếp tục củng cố sự tăng trưởng cho đầu tư bất động sản, sự thu hút của thị trường Việt Nam nhằm vào mục tiêu dài hạn hơn là lợi nhuận trong ngắn hạn. Về lý thuyết, mức chênh lệch tỷ suất đầu tư tại Việt Nam hiện tại rất hấp dẫn nhà đầu tư và còn hấp dẫn hơn nếu kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Tính toán, trong vòng 5 đến 10 năm tới, các nhà đầu tư nước ngoài có thể có nhiều cơ hội hơn để bổ sung vào danh mục của mình các tài sản thương mại ở vị trí đắc địa.
Oxford Economics dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2017 và 2018 ở mức 6,65% cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Nhận định về sức hút vốn FDI của thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư.