Gỡ rối sở hữu chéo

H.Hương 03/08/2017 09:05

Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã đưa ra kỳ vọng đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Nhưng đến nay vấn đề này luôn được coi là nan giải và cần có biện pháp để tháo gỡ thêm.

Sở hữu chéo tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng (Ảnh: Ngọc Thắng).

Khoanh vùng sở hữu chéo

Hệ quả của việc sở hữu chéo không những làm hạn chế hiệu quả của các chính sách điều hành mà còn gây ra rủi ro cục bộ cho hệ thống ngân hàng. Để chặn tình trạng sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36, có hiệu lực từ 2 năm trước.

Thông tư quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó.

NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của NHNN.

Để giảm hiện tượng sở hữu chéo, trong thời gian qua các ngân hàng đã tích cực thoái vốn thông qua việc mua bán – sáp nhập lẫn nhau.

Đến nay hiện trạng sở hữu chéo cũng đã có giảm xuống. Nhưng khi sự việc ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Sacombank bị bắt, một lần nữa “mạng nhện” sở hữu chéo lại cần được nhìn lại.

Chính Ngân hàng Sacombank cũng từng được phác họa mổ xẻ rất kỹ trong “bức tranh ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2011-2015” với mối quan hệ sở hữu chéo khó nắm.

Theo thống kê, hiện nay sở hữu chéo vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần Ngân hàng Quân đội (MBB); 8,19% Eximbank; 5,07% Ngân hàng Phương Đông (OCB) và 4,3% tại Saigonbank.

Ngân hàng Hàng Hải (MSB) vẫn còn đang sở hữu 4,85% cổ phần ở MBB; 9,98% ở PGBank và 4,66% ở PVcomBank. Eximbank vẫn đang sở hữu 8,76% vốn tại Sacombank.

Hay Nam Á cũng có sở hữu 3,5% vốn tại Ngân hàng Bản Việt. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra NHNN cũng từng cho biết, NHNN đã đánh giá khách quan, trung thực tình trạng sở hữu chéo hiện tại của hệ thống ngân hàng và sẽ xử lý dần. NHNN kỳ vọng đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Quyết tâm gỡ vướng

Hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập mới.

Đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào vốn tín dụng thì sở hữu chéo được coi là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động thanh tra, giám sát còn chưa phát triển, những tác động tiêu cực của sở hữu chéo có thể sẽ làm giảm hiệu quả của nền kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng. Ngoài vấn đề rủi ro, sở hữu chéo có thể gây ra những hệ lụy tới sự an toàn của hệ thống.

Chuyên gia ngành, PGS TS Lê Văn Luyện và TS Khuất Duy Tuấn, cho rằng: Thông qua các giải pháp sắp xếp lại hệ thống ngân hàng như định hướng mua bán, sáp nhập; mua lại 0 đồng, NHNN đã dần giải quyết được các vi phạm về sở hữu trong hệ thống.

Tuy vẫn còn đó những vấn đề mang tính lịch sử về sở hữu trong hệ thống ngân hàng, mặc dù chưa được giải quyết triệt để nhưng nhìn chung NHNN đã nắm bắt được thông tin cụ thể về tình hình sở hữu tại các ngân hàng.

Xét về mặt bản chất, sở hữu chéo là một hiện tượng phát triển bình thường đã xảy ra phổ biến tại các quốc gia như Đức, Nhật Bản với một chức năng giải quyết nhu cầu vốn lớn, kịp thời cho tập đoàn kinh tế.

Sự nguy hiểm chỉ nằm ở chỗ là sở hữu chéo nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý hoặc được cơ quan quản lý ngầm bảo vệ.

Theo 2 vị chuyên gia đầu ngành này, về mặt dài hạn, chỉ nên thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế các mối quan hệ sở hữu chéo không mong muốn.

Thực tế sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp tại Đức và Nhật Bản đã giúp cho các quốc gia này đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể.

Hơn nữa, nhóm sở hữu chéo có liên quan tới các yếu tố nước ngoài vẫn mang lại những mặt tích cực trong tiến trình phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam hội nhập với thế giới.

Nếu như tiến hành cấm hoàn toàn sở hữu chéo là không khả thi, hơn thế, chi phí cho việc thực hiện và giám sát thực hiện quy định cấm này sẽ rất lớn bởi sự khó khăn trong quá trình tìm ra ai là cổ đông sở hữu thực sự và tỷ lệ sở hữu thực tế là bao nhiêu.

H.Hương