Nghịch lý tuyển sinh
Chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học của Việt Nam có chuyện thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 vào đại học. Không chỉ thí sinh và người nhà thất vọng, hoang mang mà tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều phải đặt câu hỏi: liệu có công bằng với những thí sinh này? Cách nào để những thí sinh điểm gần như tuyệt đối không trượt ĐH mà mình yêu thích?
Mùa tuyển sinh ĐH năm 2013, mức điểm trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội là 28 điểm – mức điểm kỷ lục khiến nhà trường phải có văn bản gửi tới lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đề xuất phương án giải quyết đối với những thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH.
Năm nay, kỷ lục mới lại tiếp tục được xác lập với ngành này tại ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược TP HCM với 29,25 điểm vẫn trượt. Không ai giải cứu thí sinh.
Các em có thể sẽ còn cơ hội ở NV2, NV3 nhưng phải từ bỏ ngành học mà mình yêu thích trong khi mức điểm đạt trên 9, thậm chí trên 9,7 điểm 1 môn thi ĐH chứng tỏ năng lực học tập của các em rất tốt, tuyệt đối không phải là ăn may thì quả là quá thiệt thòi cho 12 năm đèn sách của các em.
Ảnh minh họa.
Kết quả đã được dự báo
Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, cả nước có khoảng 1.260 thí sinh khối B đạt từ 29,25 điểm trở lên (tính cả điểm ưu tiên).
Tổng chỉ tiêu ngành y đa khoa của 2 trường y nóng nhất của cả nước là Y Hà Nội và Y Dược TP.HCM chỉ hơn 800 (đã trừ tuyển thẳng).
“Việc phải áp dụng tiêu chí phụ trong tuyển chọn thí sinh là việc các trường bắt buộc phải làm, không có cách nào khác. Nhưng đó là các cán bộ tuyển sinh nắm được dữ liệu thống kê về số lượng thí sinh đạt tổng điểm trên 29,25. Còn đối với thí sinh và người nhà các em, khi nhận được tin con mình thi ĐH đạt trên 29 điểm – mức điểm gần như tuyệt đối, có gia đình nào không vỡ òa trong sung sướng? Việc gần như chắc chắn cầm trong tay phiếu báo đỗ ĐH theo đúng nguyện vọng (NV) các em mơ ước đã gần trong gang tấc” – một chuyên gia giáo dục phân tích.
Như tâm sự của một thí sinh đạt 29,15 điểm (làm tròn thành 29,25 điểm) khi biết được điểm của mình, em đã tự tin đăng ký ngành y đa khoa của ĐH Y Hà Nội mà cương quyết từ bỏ NV1 vào Học viện Quân y dù bố mẹ em vẫn hướng con vào trường này. Lý do duy nhất, đó là vì đây là ngôi trường mơ ước của em suốt bao năm qua.
Theo dõi truyền thông, có thể thấy những thí sinh có NV vào những trường có điểm chuẩn cao kỷ lục như Y hay khối trường quân đội, công an thường thể hiện ước mơ nung nấu nhiều năm vào trường và nỗ lực học tập bền bỉ để biến ước mơ thành hiện thực.
Thậm chí, có những em chấp nhận thi lại 2, 3 năm liền để vào đúng được trường, ngành học mình yêu thích vì ai cũng biết, đây là những ngành học có sự cạnh tranh trong tuyển chọn có thể nói là nghiệt ngã nhất.
Sự thực, khi các em đạt kết quả thi 28, 29 điểm, có thể khẳng định tuyệt đối không thể có chuyện “ăn may”, khoanh bừa đáp án mà rõ ràng là nỗ lực học tập được hiện thực hóa. Nhưng cuối cùng, các em vẫn trượt chỉ vì thua ở điểm ưu tiên, ở tiêu chí phụ… Thiệt thòi thay!
Chia sẻ tâm trạng điểm cao cũng trượt ĐH với các thí sinh, ThS Nguyễn Hải Trường An, trưởng phòng Tuyển sinh – truyền thông trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, từ lúc công bố điểm chuẩn, tổ tư vấn tiếp rất nhiều trường hợp, 26,5-27 điểm vẫn rớt ĐH.
Mức điểm này, trừ khi đăng ký vào khối Y dược hay công an, quân đội còn lại không ai nghĩ có thể trượt. Nhưng cũng chỉ có thể chia sẻ với thí sinh và người nhà mà không giúp gì được.
Cách nào để công bằng?
Chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học của Việt Nam có chuyện thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 vào đại học.
Không chỉ thí sinh và người nhà, thất vọng, hoang mang mà tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều phải đặt ra câu hỏi: liệu có công bằng với những thí sinh này?
Cách nào để những thí sinh điểm gần như tuyệt đối này không trượt ĐH mà mình yêu thích? Đành rằng, có thể các em đỗ NV2, 3 nhưng chắc chắn, khi học không đúng với sự đam mê, yêu thích thì khó đạt được thành tích tốt như kỳ vọng. Công việc sau khi ra trường, tương lai chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học FPT, về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30 điểm. Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc, thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học.
Tất nhiên, đây là vì tính cả điểm ưu tiên chứ không phải là tổng điểm riêng của 3 môn thi. Vì vậy, đề xuất cho trường hợp trường lấy điểm chuẩn 30 điểm nhưng vẫn có thí sinh đạt 30 điểm bị trượt vì vượt quá chỉ tiêu, ông Tùng cho rằng trường đó nên lấy hết số thí sinh đạt 30 điểm và chấp nhận giảm chỉ tiêu năm sau. Bởi đào tạo là một quá trình, việc chỉ tiêu chênh lệch một năm không phải là vấn đề quá lớn.
Đối với điểm cộng ưu tiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên nhìn có cách tính toán lại. Mặc dù đây là chủ trương nhân văn của nhà nước, không phải của Bộ GD&ĐT hay riêng các trường ĐH có thể quyết định nhưng mức điểm ưu tiên thế nào cho hợp lý để tránh việc những thí sinh 25, 26 điểm được cộng tối đa 3,5 điểm ưu tiên thì đỗ còn thí sinh 28, 29 điểm lại trượt ĐH.
Cụ thể, hiện điểm ưu tiên đang chiếm tỉ trọng quá lớn so với tổng điểm thi. Nhất là năm nay, đề thi 2 trong 1 có đến 70% câu hỏi vừa sức, cuộc chạy đua vào ĐH chỉ nằm ở 30% còn lại của bài thi.
Nhưng với những thí sinh được cộng điểm ưu tiên thì chẳng cần chạy đua, nhờ điểm ưu tiên đã có thể chắc chắn bước vào cánh cổng ĐH.
Theo GS TSKH Hà Huy Khoái, trong tổng số chỉ tiêu vào ĐH nên dành 50% để lấy theo số điểm, từ cao xuống thấp. Còn lại 50% chỉ tiêu được chia đều theo tỷ lệ học sinh các tỉnh. Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh đó (do điều kiện vùng miền) thì có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình.
Ở một khía cạnh khác, TS Lê Viết Khuyễn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với các trường top trên nên có những cuộc sát hạch riêng theo tiêu chí của trường, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi THPT quốc gia. Làm như vậy, sẽ tìm được những thí sinh thực sự có năng lực và không để xảy ra chuyện, 30 điểm vẫn trượt.
Chung quan điểm cần có giải pháp tuyển sinh riêng cho một số trường đặc thù, PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, với nhiều ngành học đặc thù, không chỉ chuyện yêu thích, đam mê mà cả điều kiện học tập, thực hành gian khổ đòi hỏi thí sinh cần hiểu rõ để có định hướng đúng đắn khi lựa chọn. “Các trường phải đảm bảo chất lượng đầu ra nên giao cho trường tự chọn thí sinh theo các tiêu chí riêng là hợp lý” – ông Dong nhấn mạnh.