Viết tiếp bài ‘Trăn trở về một phần mộ liệt sĩ hy sinh ở Pò Hèn...’

Xuân Quảng 03/08/2017 10:42

Ngay sau khi đăng bài ‘Trăn trở về một phần mộ liệt sĩ hy sinh ở Pò Hèn’ trên Đại đoàn kết Online ngày 27/7. Bài báo đã lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là những chiến sĩ biên phòng đồn 209 Pò Hèn còn sống sót sau trận chiến ác liệt đó.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đào Ngọc Sơn, trú tại phường Mạo Khê, TX Đông Triều (Quảng Ninh) kể lại, “chúng tôi được tăng cường ra Tiểu khu 76, đóng ở thôn 10 Quất Đông (xã Hải Đông, TP Móng Cái ngày nay). Tối 19/2, chúng tôi có mặt tại đồn 209 Pò Hèn. Và ở đó, từ buổi tối ngày 20/2 trở đi là chúng tôi cùng các chiến sĩ của đồn 209 còn sống sót và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của 1 trung đội thuộc đại đội 2 CAND vũ trang lần lượt lên tìm và đưa hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh tại đồn, tại các chốt và cả trên Trạm kiểm soát ở cửa khẩu về khu Mả Phềnh an táng. Phần mộ chị Hoàng Thị Hồng Chiêm được chôn bên gốc cây chanh… Ban Chỉ huy CAND vũ trang tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ ra cùng đồn tập trung làm công tác này. Những ngày đó, ban ngày không thể lên tìm và đưa hài cốt liệt sĩ xuống được vì luôn luôn có những họng súng bắn tỉa từ phía bên kia rình rập bắn sang. Đến giữa năm 1979 thì tôi đi học trinh sát, sau đó thì được điều động sang Đồn Biên phòng 210 Lục Phủ…”

Sơ đồ nghĩa trang Pò Hèn.

Còn ông Nguyễn Văn Thiện ở xã Hoàng Quế cùng TX Đông Triều (Quảng Ninh), cùng ông Sơn, được biên chế vào cùng tiểu đội với ông Lê Văn Thứ ở xã Vĩnh Trung ngoài đảo Vĩnh Thực, TP Móng Cái. Ông Thứ là một trong số rất ít chiến sĩ còn sống sót trong trận chiến ác liệt đó. Hiện ông Thứ đang sinh sống tại phường Ninh Dương, TP Móng Cái, ông Thứ kể: “trận chiến hôm 17/2/1979, quân xâm lược đã dùng hỏa lực mạnh, lực lượng đông tấn công từ Trạm kiểm soát biên phòng ngoài cửa khẩu vào đồn và chốt Đồi Quế, chốt quan sát đồi Tây… CBCS của đồn và công nhân Lâm trường đã chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng. Khi đang cùng anh Hiện cơ động chiến đấu ở lưng chừng Đồi Quế thì anh Hiện bị thương, sau đó địch tấn công và anh Hiện đã anh dũng hy sinh”.

Chúng tôi cũng gặp được ông Hoàng Như Lý, chuẩn úy trinh sát đồn 209 Pò Hèn ngày ấy, hiện ở phường Hải Hòa, TP Móng Cái (Quảng Ninh). Ông Lý kể ngày 27/7 vừa qua, ông đã cùng đại úy Vũ Ngọc Mai, năm nay đã 87 tuổi, nguyên Đồn trưởng đồn 209 CAND vũ trang Pò Hèn thời kỳ 1979 lên Pò Hèn dâng hương, xác định rõ vị trí chiến đấu của CBCS và đặt tấm bia ghi dấu vị trí trận địa Đồi Quế của đồn xưa…

Năm 1982, ông Lý chuyển ngành sang công tác tại Lâm trường Hải Ninh (nay là TP Móng Cái), và cũng năm đó, sau khi di chuyển hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại Pò Hèn ngày 17/2/1979 từ nghĩa trang Mả Phềnh xuống Vày Kháy, anh em Lâm trường đã xây dựng lên nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn. Ông Lý đưa cho chúng tôi sơ đồ nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn xưa mà vào năm 2011, có lần ông đến Ban chỉ huy Quân sự TP Móng Cái xin sao chụp lại. Theo sơ đồ thì ở nghĩa trang Vày Kháy, phần mộ liệt sĩ Hiện mộ số 3, hàng thứ 2, ký hiệu số 4 và được di chuyển về Hà Tu đợt cuối. Ông Lý cho biết, việc chuyển mộ về nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, nghĩa trang liệt sĩ Hải Hòa và nghĩa trang cây số 4 Móng Cái, theo sơ đồ có tên từng liệt sĩ thì không thể thất lạc được…

Ông Lý khẳng định, chắc chắn hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện đang ở nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, có thể có sơ xuất nào đó mà không ghi tên, cần làm việc với bộ phận quản trang xem danh sách liệt sĩ đã chuyển về và sơ đồ phần mộ, đó là trách nhiệm và bổn phận của những người còn sống với đồng đội…

Trong chuyến lên Pò Hèn vừa rồi, ông Lý đã kể lại câu chuyện về phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện, nguyên Đồn trưởng 209 Pò Hèn Vũ Ngọc Mai khẳng định: Những phần mộ liệt sĩ của chúng ta ở Pò Hèn đã quy tập đủ cả, không thiếu chiến sĩ nào…

Tri ân cùng đồng đội, các cựu chiến binh biên phòng tâm niệm sẽ giúp được gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện bằng cách thông tin, giúp đỡ, cùng tìm kiếm, xác định phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện để trả nghĩa cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Xuân Quảng