Vi phạm hương ước, quy ước sẽ bị phạt tiền?
Sáng 3/8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân cho biết, hương ước, quy ước đã khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếu sống văn minh, thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên theo ông Đỗ Xuân Lân bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng, thực hiện hương ước còn bộc lộ hạn chế như: Nội dung của nhiều bản hương ước, quy ước còn rập khuôn, máy móc.
Việc thực hiện hương ước, quy ước được xem là cánh tay nối dài giúp chính quyền, tuy nhiên ở nhiều địa phương việc thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước quy ước chưa hoàn thiện, còn mâu thuẫn.
Vì vậy hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trong đó bảo đảm sự tự nguyện, dựa trên nhu cầu nhân dân, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở. Đồng thời bảo vệ giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thồng, thuần phong mỹ tục, tập quán tiến bộ, tích cực, loại bỏ phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với thực tiễn địa bàn dân cư.
Đáng chú ý liên quan đến việc xử lý hành chính khi vi phạm hương ước, quy ước Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định có 2 ý kiến về việc cho phép áp dụng phạt tiền, vật chất để xử lý những trường hợp vi phạm quy định trong hương ước, quy ước.
Ý kiến thứ nhất: Không cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước.
Ý kiến thứ 2: Cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu Bộ Tư pháp đã chọn phương án 1 vì bản chất của hương ước, quy ước dựa trên sự tự nguyện, tự thỏa thuận, các biện pháp bảo đảm thực hiện quy định trong hương ước, quy ước chỉ mang tính chất giáo dục, thuyết phục, vận động.
Hơn nữa hiện nay pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tương đối hoàn thiện với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hơn 50 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực. Vì vậy không cần thiết phải quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước.
Tại hội thảo ý kiến nhiều đại biểu cũng cho rằng, hương ước, quy ước là một hình thức “lệ làng” không phải một văn bản pháp luật do đó không thể áp dụng hình thức phạt hành chính.