Khi truyền hình thực tế đánh mất khán giả
Với mục đích mang đến cho khán giả những giây phút giải trí, thế nhưng sau những thành công, không ít các chương trình truyền hình thực tế đang “đầu độc” khán giả khi cố tình sử dụng nhiều chiêu trò nhằm câu khách.
Chương trình Người mẫu Việt Nam.
Giải trí hay họp chợ?
Cơn sốt truyền hình thực tế đã qua đi và đang ở trong giai đoạn bão hòa. Tuy nhiên, thực tế nó vẫn còn tồn tại bởi các đơn vị sản xuất vẫn thu hút được lợi nhuận thông qua các hợp đồng bảo trợ, tài trợ và doanh thu quảng cáo. Điều tất yếu, khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn đòi hỏi các đơn vị sản xuất lắm chiêu, nhiều trò để thu hút sự chú ý của khán giả. Thậm chí scandal theo thời gian này cũng đòi hỏi ngày càng tinh vi hơn, dù không phải lúc nào cũng thành công.
Giữa các show thực tế đang lên sóng truyền hình hiện nay, Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model) và Gương mặt thương hiệu (The Face) hiện nhận được sự chú ý hơn cả. Nhưng, sự quan tâm của khán giả không nằm ở chất lượng của các thí sinh dự thi hay các thử thách mà họ phải vượt qua trong mỗi tập phát sóng. Nó đến từ những câu chuyện hậu trường mà khi theo dõi, khán giả chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Ở Người mẫu Việt Nam vốn là xem là chương trình đã rất thành công khi tạo nên thế hệ người mẫu mới qua các mùa giải trước đây. Nhưng ở lần trở lại mùa All Stars dành cho các thí sinh đã tham gia chương trình điều đọng lại tính đến thời điểm hiện nay chỉ là những tranh giành, đấu đá đầy tính chợ búa ở ngôi nhà chung. Ngay từ tập phát sóng đầu tiên, không biết do bản tính hay cố tình diễn để tạo chú ý, các thí sinh đã có những phát ngôn khá sốc, ra vẻ ta đây nhằm tạo sự chú ý về phía mình. Việc chia bè phái một cách lộ liễu khiến qua mỗi tập, đội có người chiến thắng được dịp lên mặt và cuộc chiến được đẩy lên cao trào. Không chỉ dành cho nhau lời lẽ xúc phạm, việc cãi cọ một cách thiếu văn hóa mà các thí sinh còn sẵn sàng “ra tay” với nhau: vứt đồ đạc, hắt nước vào mặt nhau...
Thậm chí, nếu không có sự can ngăn của các thí sinh khác trong nhà chung, câu chuyện chắc chắn sẽ còn đi xa hơn nữa. Khán giả chỉ biết ngán ngẩm và tự hỏi liệu đây có phải chương trình nhằm tìm kiếm những gương mặt người mẫu tương lai với hy vọng đại diện Việt Nam tiến ra làng mẫu quốc tế hay là những buổi “chợ phiên” để họ mặc sức cãi cọ, đấu đá.
Không được đẩy lên đỉnh điểm như Người mẫu Việt Nam, Gương mặt thương hiệu cũng nhận không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. Ngay từ khi mới phát sóng những tập đầu tiên, The Face 2017 đã khiến khán giả ngỡ ngàng vì cách thể hiện ồn ào, lộn xộn của mình. Trong khi HLV đặt ra cho thí sinh những câu hỏi hết sức kém duyên, kiểu như “em chụp hình quảng cáo nhiều rồi còn đi thi ở đây làm gì?”, thì thí sinh, ngược lại cũng trả lời bằng những câu nói bất cần, thiếu lễ độ. Thậm chí xuyên suốt các tập đã được phát sóng thì khán giả được xem nhiều nhất chính là… các cuộc cãi nhau. HLV cãi nhau, thí sinh cãi nhau, rồi thí sinh và HLV cãi nhau.
Nhiều khán giả cho biết, có lúc phải tắt tivi nửa chừng vì không chịu được tiếng ồn ào như vỡ chợ. Về các thí sinh với một chương trình có tính cạnh tranh cao không quá ngạc nhiên khi xuất hiện những lời nhận xét về các đối thủ của mình đầy tính dè bỉu, chê bai thậm chí là miệt thị dù họ cũng đang là người thi thố và cũng chẳng xuất chúng hơn là bao. Đơn cử như mâu thuẫn giữa HLV Minh Tú và Lan Khuê khiến câu chuyện trở nên căng thẳng. Nếu trên sóng truyền hình chỉ là những lời cự cãi qua lại do mất kiểm soát thì ở hậu trường và một số clip được đăng tải trên mạng xã hội, còn có cả những hành động “xô đẩy” nhau. Sự việc này đã gây nên những ồn ào hậu trường, vì câu hỏi “ai xô ai trước”, kéo theo tranh cãi kéo dài giữa fan và quản lý, bạn bè hai bên trên mạng xã hội.
Khán giả cần “sóng sạch”
Nhìn vào 2 chương trình nói trên, có thể nhận thấy yếu tố dàn dựng là điều không thể bỏ qua. Với thời lượng trên dưới 60 phút phát sóng, ekip có thể thoải mái cắt gọt, biên tập theo chủ quan của mình mà không hề quan tâm rằng vô hình chung chương trình đang đầu độc khán giả. Rất nhiều phụ huynh ngao ngán chia sẻ: “Buổi tối cuối tuần là dịp cả gia đình quây quần thưởng thức các chương trình giải trí.
Thế nhưng khi xem những chương trình như thế rất lo sợ con cái mình sẽ bị ảnh hưởng tính ích kỷ cá nhân, ứng xử không biết trên dưới, không có văn hóa... mà các thí sinh của chương trình nói trên đang thể hiện trên sóng”. Hay siêu mẫu Xuân Lan từng cảm thán: “Nhà sản xuất chương trình mà cứ làm thế này thì hình ảnh người mẫu nát hết”. Nhiều người làm nghề cũng có chung cảm giác thở dài, bất lực trước những câu chuyện nói trên.
Sau những ồn ào nói trên, phía ekip Người mẫu Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với các thí sinh của nhà chung nhằm dàn xếp câu chuyện. Không biết đây có phải “chiêu” tiếp theo hay không nhưng rõ ràng, khán giả đã không còn mấy thiện cảm. Chương trình Gương mặt thương hiệu, cũng được hạ nhiệt hơn khi cao trào mâu thuẫn của thí sinh và HLV không còn được thể hiện qua các tập phát sóng sau đó.
Một câu hỏi đặt ra liên quan đến vấn đề kiểm duyệt. Trước đây, không ít các chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt là các số phát sóng trực tiếp gặp không ít những hạt sạn lớn. Hiện nay, khi hầu hết đã chuyển qua ghi hình, phát lại nhưng việc dễ dãi và để lọt sóng những nội dung phản cảm như trên, có lẽ là điều cần phải xét lại một cách nghiêm túc. Dù chỉ là những cuộc thi thố nhưng thiết nghĩ, trước hết và trên hết nó cần phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam, thể hiện văn hóa của người Việt. Truyền hình thực tế nói chung và các “ngôi sao” bước ra từ đó nói riêng ít nhiều là thần tượng của giới trẻ, nên chăng mỗi chương trình ngoài tính văn hóa, có lẽ cần hướng đến cả tính giáo dục trước khi đặt quá nặng tính chất giải trí.