Soi đuốc dưới chân mình

Lê Ái 04/08/2017 08:10

“Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”- khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong những ngày cuối cùng tháng 7 đã cho thấy quyết tâm “đốt” cho sạch những hành vi tham nhũng, thoái hóa, tha hóa biến chất. Ý chí của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân và chính vì vậy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví nó như là một lò lửa và lò lửa đó đang cháy thì bỏ củi tươi vào đấy cũng vẫn cháy.

Nói như vậy để thấy người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã mong muốn cuộc đấu tranh này trở thành phong trào rộng khắp mà tất cả các tổ chức của hệ thống chính trị đều phải vào cuộc, trong đó có MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của Nhà nước thì phải phát huy vai trò của mình.

“Mặt trận ở trong dân, là tai, là mắt của nhân dân nên có thể góp phần phát hiện, tố cáo, lên án những hành vi đó, có tiếng nói yêu cầu xử lý đối với các hiện tượng đó thông qua các hoạt động giám sát và phản biện để góp phần phát hiện, giúp cho Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, thanh tra, xem xét đưa các vụ tham nhũng ra ánh sáng. Mặt khác, góp phần tạo ra dư luận xã hội lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước”- Giáo sư Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng ta xác định là cuộc đấu tranh cam go, đòi hỏi sự quyết liệt, bền bỉ lâu dài và phải tiến hành thường xuyên. Nhưng thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận.

Trong rất nhiều lần đến Mặt trận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định vai trò “trung tâm đoàn kết” bởi Mặt trận là nơi tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 86 năm qua đã minh chứng. Mặt trận đã trở thành kênh giám sát quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cuộc đấu tranh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Với nhận thức sâu sắc đó, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể ngay từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI diễn ra hồi đầu năm nay.

Phát biểu tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, năm 2017 và những năm tiếp theo, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm gì và làm như thế nào để cùng với toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn dân triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 nhằm nâng cao vai trò hệ thống chính trị, khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và “tự diễn biến” trong nội bộ.

“Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Trên thực tế, hơn 3 năm qua, từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận đã vào cuộc giám sát quyết liệt từ những bức xúc của nhân dân.

63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. Về công tác phản biện, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 784 cuộc phản biện xã hội, cấp huyện được 4.043 cuộc và cấp xã được 25.834 cuộc.

Dù đã có những kết quả như vậy, nhưng Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn vẫn luôn trăn trở với việc phải làm thế nào và triển khai ra sao cho thực sự hiệu quả và phát huy tối đa nhiệm vụ này, nhất là khi Mặt trận chưa có cơ chế cho việc kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Bởi công tác giám sát, phản biện xã hội là việc làm thường xuyên, liên tục ở các địa phương, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh và huyện còn cấp xã phường chưa nhiều…Trong khi đó, việc tham gia xây dựng chính quyền ở các ngành, các cấp thì có nhưng góp ý xây dựng Đảng thì chưa thực sự vào cuộc. Chính vì vậy, việc giám sát một tổ chức đã khó khăn, giờ giám sát cá nhân còn khó hơn nữa.

Cái khó mà người đứng đầu Mặt trận thẳng thắn nhìn nhận là hoạt động giám sát phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng chưa bài bản, chưa phối hợp một cách đồng bộ, việc góp ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu, còn hạn chế. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ dừng lại ở góp ý, chưa vào cuộc mạnh mẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận có hiện tượng né tránh ngại va chạm.

“Lò đã đốt lên rồi”- không thể né tránh, ngại va chạm được nữa. Ngọn đuốc đã thắp sáng nhưng trước khi lên đường người cầm đuốc phải soi lại chính chân mình. Cũng như vậy, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước tiên phải là cuộc cách mạng của mỗi cá nhân trong việc nhận thức khuyết điểm của chính mình. Nhận thức khuyết điểm là vô cùng cần thiết. Chúng ta nhận thức rõ khuyết điểm mình và mưu cầu được sự cải tiến và hoàn thiện thì khi ấy việc nhận thức của chúng ta mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng như vậy, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn luôn cho rằng, đừng chỉ nhìn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí là việc của tập thể, việc của các ngành, các cấp, mà trước tiên phải tự nhìn vào bản thân chính mình qua những việc làm nhỏ nhất ở cơ quan, ở cộng đồng dân cư nơi mình đang sống, có lãng phí thời gian, tiền bạc của cơ quan, tổ chức hay không, có sáng kiến đóng góp gì cho cộng đồng mình sinh sống hay không…

Sự thẳng thắn của người đứng đầu Mặt trận cũng chính là sự thẳng thắn đối diện với những hạn chế khó khăn từ đó đòi hỏi sự quyết liệt hơn, tận tâm hơn nữa của người Mặt trận trên cả nước trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hiện đang xây dựng quy trình UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh ý kiến của nhân dân về suy thoái chính trị đạo đức lối sống, “tự diễn biến, “tự chuyển hoá” trong đảng viên. Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, đây là vấn đề mà Mặt trận đang xây dựng và thí điểm trong thời gian tới.

Lê Ái