Hàng trăm hồ chứa trong tình trạng xung yếu
Do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng trong những ngày qua, mực nước tại các hồ chứa trên cả nước hiện tăng nhanh và ở mức cao.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cẩn trọng kiểm soát tình trạng các hồ chứa nước trong địa bàn để có phương thức xử lý kịp thời nếu mực nước tiếp tục tăng. Hiện nay, theo báo cáo, toàn quốc có 221 hồ chứa nước đang trong tình trạng xung yếu.
Theo báo cáo nhanh của Bộ NN&PTNT, đến ngày 2/8, mực nước tại các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đã đạt mức trung bình từ 55 – 70% dung tích thiết kế. Một số địa bàn như Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang… mực nước tại một số hồ chứa đã đạt xấp xỉ 75% dung tích thiết kế.
Tại khu vực Bắc Bộ, hiện có 138 hồ chứa xung yếu, trong đó một số tỉnh có nhiều hồ chứa xung yếu như Bắc Giang (12 hồ) Yên Bái (10 hồ), Tuyên Quang (9 hồ). 8 hồ chứa cần đặc biệt quan tâm khi tiếp tục có mưa lớn là Cai Hiển (Lạng Sơn), Cửa Cốc, Chùa Ông, Khe Ráy, Khe Cát (Bắc Giang), Núi Cốc (Thái Nguyên), Lái Bay, Noong Đúc (Sơn La).
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, báo cáo cho biết, các hồ chứa đạt trung bình 70 – 75% dung tích thiết kế. Hiện khu vực này có 83 hồ chứa xung yếu. Một số tỉnh thành có nhiều hồ chứa xung yếu là Thanh Hóa (20 hồ), Nghệ An (19 hồ), Hà Tĩnh (16 hồ). Ngoài ra có 12 hồ chứa cần đặc biệt quan tâm khi có mưa lớn gồm là Làng Mọ, Kim Giao, Làng Lụt (Thanh Hóa), Hòn Mát, Đồn Húng, Khe Sân, Khe Gang (Nghệ An), Lối Đồng (Hà Tĩnh), Vùng Mồ, Bàu Cừa, Đập Làng (Quảng Bình), Kinh Môn (Quảng Trị).
Khu vực Nam Trung Bộ, các hồ đạt 60 – 75% dung tích thiết kế. Các hồ chứa khu vực Tây Nguyên đạt 60 – 75% dung tích thiết kế. Các hồ chứa tại các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đang có mực nước đạt khoảng 45 – 55% dung tích thiết kế.
Trước tình hình các hồ chứa có mực nước tăng nhanh, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đá có kế hoạch xả nước ở 8 hồ chứa là Hồ Đá Hàn (Hà Tĩnh) xả với lưu lượng 20m3/s. Hồ Sông Rác, Kim Sơn, Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) xả với lưu lượng 50m3/s. Hồ Rào Đá, Vực Tròn (Quảng Bình) xả với lưu lượng 50m3/s. Hồ Phú Vinh (Quảng Bình) xả với lưu lượng 140m3/s; hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) xả với lưu lượng 100m3/s.
Bộ NN&PTNT yêu cầu địa phương cẩn trọng kiểm tra, kiểm soát khả năng trữ nước của các hồ, chủ động xả nước khi công trình không bảo đảm an toàn. Các phương án xả nước phải đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ngoài ra, phối hợp tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước, tình hình thời tiết để chủ động ứng phó. Xây dựng chi tiết phương án bảo đảm an toàn hồ chứa, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng toàn bộ hạng mục công trình thủy lợi thuộc phạm vi địa phương, đơn vị quản lý.
Đồng thời, phải tuân thủ vận hành, điều tiết các hồ chứa nước theo quy trình đã được phê duyệt. Căn cứ vào hiện trạng công trình, tình hình thời tiết và diễn biến của mưa lũ, các đập cần chủ động điều tiết mực nước hồ hợp lý, bảo đảm tích đủ nước phục vụ sản xuất và an toàn công trình trong mưa lũ, không được tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng.
Công tác bảo đảm an toàn hồ chứa đã và đang được các địa phương hết sức quan tâm, nhất là trước nguy cơ áp thấp nhiệt đới có khả năng tiếp tục gây mưa trên diện rộng trong một vài ngày tới.