Để Mù Căng Chải không còn là túi đựng nước
Nông Văn Lịnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao, đặc biệt là các chính sách liên quan đến tái định cư, hỗ trợ bà con kè sông Nậm Kim để thị trấn Mù Cang Chải không còn là túi đựng nước như trước kia nữa.
Ông Nông Văn Lịnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái ủng hộ đồng bào lũ lụt trong tỉnh trong sáng ngày 4/8.
PV:Thưa ông, trận lụt, do lũ ống, lũ quét vừa qua được xem là lịch sử trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ông có thể cho biết tình hình thiệt hại về người và của cho đến thời điểm này?
Ông Nông Văn Lịnh: Theo báo cáo nhanh của Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, từ ngày 2/8 đến ngày 4/8, các khu vực trong tỉnh Yên Bái nhiều nơi có mưa vừa, mưa to gây nhiều thiệt hại, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải. Trong đó, có 2 người chết, 13 người mất tích và 9 người bị thương, 29 nhà bị cuốn trôi, 25 nhà bị sạt lở đất và hư hỏng nặng.
Những thiệt hại khác về chăn nuôi, thủy lợi, giao thông, trụ sở cơ quan, trường học, công trình công cộng với ước tính tổng thiệt hại lên tới 160 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đang tập trung chỉ đạo tích cực tìm kiếm người mất tích đồng thời tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên những người bị mất nhà cửa đang sống ở nhà tạm.
Vậy, đối với những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ như thế nào để người dân nhanh chóng ổn định được cuộc sống, thưa ông?
- Với những hộ gia đình bị sập hoàn thành nhà cửa, tỉnh hỗ trợ gạo trong khoảng thời gian 6 tháng để bảm bảo người dân không bị thiếu đói; hỗ trợ 20 triệu đồng cho những gia đình bị sập nhà cửa hoàn toàn, trong đó Mặt trận tỉnh hỗ trợ 5 triệu để những gia đình bị thiệt hại nặng nề có thể làm nhà hoặc tìm nơi ở tạm đảm bảo. Trước mắt, công tác vệ sinh môi trường sau bão lũ cũng như các hoạt động y tế dự phòng khác cũng được tỉnh chỉ đạo quyết liệt.
Đối với các trường học đứng chân trên địa bàn đang bị ngập lụt, tỉnh sẽ huy động đoàn thanh niên, các lực lượng vũ trang… cùng chung tay khắc phục sự cố để các cháu học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới trong điều kiện tốt nhất. Còn về lâu dài, chúng tôi cũng đang tìm hướng, tìm nguồn vốn để khắc phục đường xá, các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng.
Đối với huyện Mù Cang Chải, ngay sau khi thiên tai xảy ra tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải đã cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp các ngành, vận động nhân dân triển khai khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổng hợp thống kê thiệt hại, thăm hỏi, hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định đời sống.
Mỗi mùa mưa bão đến, tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta lại một lần nữa được khơi dậy. Vậy, Mặt trận tỉnh đã có cách nào để vận động các mạnh thường quân, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh chung tay giúp đỡ đồng bào bão lũ?
- Vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng lên Yên Bái và hỗ trợ mỗi gia đình người chết 10 triệu đồng, người bị thương 5 triệu.
Trước những thiệt hại to lớn về người và của trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo các Ban chuyên môn thường xuyên liên lạc với MTTQ các huyện, thị, thành phố, kịp thời nắm bắt tình hình mưa lũ để tổng hợp, báo cáo.
Ngay sau khi nhận được thông tin về lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, sáng ngày 3/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã lên chỉ đạo, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau lũ.
Và ngay trong sáng nay (4/8), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã ra lời kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay, góp sức và phát động nhân dân ủng hộ nhân dân huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các đơn vị trong và ngoài tỉnh; các cán bộ, công chức viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh ủng hộ mỗi người ít nhất một ngày lương; mỗi hộ gia đình ở thành thị ủng hộ từ 20.000 đồng trở lên, mỗi hộ ở nông thôn từ 10.000 đồng trở lên để giúp đỡ những người bị nạn và các gia đình bị thiệt hại tại huyện Mù Cang Chải.
Thời gian phát động ủng hộ tính từ ngày 4/8 - 4/9. Ngay trong ngày 3/8, Ban Cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận ban đầu khoảng 700 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Trong quá trình đi hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, ông có thể cho biết những khó khăn mà đoàn công tác gặp phải là gì?
- Khó khăn hiện nay chúng tôi gặp phải rất nhiều, nhưng có lẽ do Yên Bái là tỉnh nghèo, nguồn lực có hạn nên mức độ hỗ trợ ngay cho đồng bào chưa được nhiều.
Trong 3 điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất đợt này thì xã Kim Nọi, Lao Chải và xã Chế Tạo, những điểm xa trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, các phương tiện cơ giới gần như không thể tiếp cận do nước lũ dâng cao và đường xá hư hỏng nặng nên các đoàn cứu trợ rất khó tiếp cận được với những đối tượng đang gặp nạn.
Công tác khắc phục hậu quả của lũ ống, lũ quét ở huyện Mù Cang Chải đang tiếp tục được triển khai hết sức khẩn trương. Tuy nhiên, việc khắc phục gặp muôn vàn khó khăn do địa hình chia cắt, hiểm trở.
Sau trận lũ quét, một phần thị trấn Mù Cang Chải tan hoang như bãi chiến trường. Bùn đất và đá tảng, với khối lượng hàng chục nghìn mét khối ngổn ngang khắp nơi.
Những khe nước từ các con suối dẫn về thị trấn, ngày thường nước chảy nhỏ không đủ để dùng, nhưng nay toang hoác, ngổn ngang những bùn và đá...
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái có mong muốn, kiến nghị gì gửi tới Trung ương để góp phần cải thiện cuộc sống của người dân không, thưa ông?
- Cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã ra lời kêu gọi các nhà hảo tâm, những người có tấm lòng nhân ái chung tay ủng hộ huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao, đặc biệt là các chính sách liên quan đến tái định cư, hỗ trợ bà con kè sông Nậm Kim để thị trấn Mù Cang Chải không còn là túi đựng nước như trước kia nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!