Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm - Tổng Thư ký Đảng Dân chủ: Thành viên quan trọng của Mặt trận
Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm là một trong số rất ít vị có “thâm niên” cao trong công tác Mặt trận. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh khá sớm. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khóa I đến khóa III (từ 1977 đến 1994) và Ủy viên danh dự của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khóa IV và V (từ 1994 đến 2004). Trong Mặt trận, các vị đặt cho ông cái tên rất hợp với cuộc đời hoạt động của ông. Đó là “ông nông nghiệ
Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm (1913 - 2001).
Đến với Việt Minh
Theo lý lịch tự khai, Nghiêm Xuân Yêm sinh ngày 10/3/1913 tại làng Tây Mỗ, xã Hữu Hưng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong một gia tộc có truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đạt cao.
Nghiêm Xuân Yêm chăm học và học giỏi từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung học loại ưu, ông được Nhà nước bảo hộ cấp học bổng để học đại học. Kết quả là ông đã đỗ thủ khoa khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Nông Lâm Hà Nội. Ở đó ông là một sinh viên cần mẫn, chăm làm, lo kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Cùng với việc học, ông nhận dạy thêm ở trường Trung học tư thục Thăng Long do giáo sư Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng.
Chính tại đây, ông đã được tiếp xúc với nhiều bạn đồng nghiệp là những trí thức yêu nước mà tiêu biểu là giáo sư Võ Nguyên Giáp. Qua họ, ông đến với phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Năm 1941, sau khi nhận bằng kỹ sư canh nông, ông từ chối làm việc cho chính quyền bảo hộ mà sau khi lập gia đình, ông lên Thái Nguyên xây dựng đồn điền nông lâm để kiếm tiền trả lại học bổng cho chính quyền thực dân.
Xa Thăng Long, nhưng ông vẫn giữ mỗi liên hệ mật thiết với bạn bè trường Thăng Long, nhất là với Tổng Hội Sinh viên và những cán bộ cốt cán của Hội.
Ông là cây bút thường xuyên của báo Thanh Nghị. Ông chuyên viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông dân, về trách nhiệm của người trí thức với việc chấn hưng nền nông nghiệp nước nhà.
Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề ruộng đất, về cuộc sống khổ cực của những người nông dân trong tay không có một tấc cắm dùi, phải đi cày thuê, cấy mướn, hướng dẫn nông dân thoát cảnh độc canh cây lúa, gắn trồng trọt với chăn nuôi, cải tạo giống, v…v…
Tháng 6/1944, được sự giúp đỡ của Đảng cộng sản Đông Dương, những sinh viên yêu nước trong Tổng Hội sinh viên đứng ra thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Ông là một trong những thành viên tham gia sáng lập. Đảng Dân chủ gia nhập Mặt trận Việt Minh. Ông tham gia tích cực các phong trào do Việt Minh phát động.
Tổng thư ký Đảng Dân chủ
Cách mạng Tháng Tám thành công, kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm được Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử giữ chức Giám đốc Nha Nông-Lâm-Súc trực thuộc Bộ Canh Nông. Ông cùng các bạn đồng nghiệp cho xuất bản gấp tờ “Tấc đất” để kịp thời hướng dẫn bà con nông dân canh tác nhằm giải quyết nạn đói đang hoành hành.
Chiến tranh bùng nổ, toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến. Thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nhằm khẩu hiệu “Thực túc, binh cường”, ông được Chính phủ cử làm Trưởng đoàn canh-nông tăng cường cho Liên khu I. Năm 1947 ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Canh nông.
Năm 1950 ông được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam.
Tháng 7/1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Đảng lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: Phải mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, ra sức tranh thủ sự cộng tác của giới trí thức, của giai cấp tư sản cùng các nhân sĩ dân chủ và thân sĩ yêu nước.
Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ tiến hành cải tổ nội các, mời thêm nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng tham gia. Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông Lâm.
Giữa năm 1958, Đảng Dân chủ tiến hành Đại hội nhằm xác định nhiệm vụ của Đảng trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược nhằm thực hiện một mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc. Tại Đại hội, Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm được bầu làm Tổng Thư ký của Đảng Dân chủ và đảm nhiệm trọng trách đó cho đến khi Đảng Dân chủ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và tuyên bố giải thể.
Trong những năm từ 1958 đến 1965 ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Khoa học nhà nước.
Năm 1960, Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II, do yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, Chính phủ tách Bộ Nông-Lâm thành: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Tổng cục lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản và ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.
Tháng Giêng năm 1963, ông lại được điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Nông trường.
Cuộc Tổng tiến công nổi dậy và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 toàn thắng. Thắng lợi đó đã chấm dứt chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình, chấm dứt họa chia cắt, thu non sông về một mối. Chính phủ bổ nhiệm kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm – nhà khoa học có bề dày về kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp làm Bộ trưởng phụ trách khoa học và kỹ thuật nông nghiệp. Ông đảm nhiệm cương vị đó cho đến khi nghỉ hưu.
Về cơ quan lập pháp, ông được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục suốt 7 khóa từ khóa II năm 1960 đến khóa VII kết thúc năm 1987 và là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.
Ông Nghiêm Xuân Yêm là người đứng đầu Đảng Dân chủ trong suốt 30 năm, từ năm 1958 đến ngày 30/10/1988 – ngày Đảng Dân chủ Việt Nam họp phiên cuối cùng và quyết định kết thúc hoạt động. Với 30 năm làm Tổng Thư ký, ông đã lãnh đạo Đảng Dân chủ Việt Nam có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, có những cống hiến quan trọng vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa non sông về một mối, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Vị Chủ tịch đầu tiên của Hội làm vườn Việt Nam
Thực hiện Chỉ tịch 35 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển kinh tế gia đình, theo đề nghị của đồng chí Lê Quang Đạo – Bí thư Trung ương Đảng Kiêm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận và đặc biệt là của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát – Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – người bạn đồng niên, đồng tuế đã cùng nhau sinh hoạt và đấu tranh trong Tổng Hội sinh viên của những năm 1939 -1945 và sau này trong Đảng Dân chủ, ông đứng ra vận động thành lập Hội làm vườn Việt Nam với mục đích: Khôi phục và phát triển nghề vườn – nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con nông dân, sau bao năm chiến tranh đã làm cho mai một.
Đây cũng là việc làm nhằm thực hiện ý tưởng của Bác Hồ: “Trên vườn cây, dưới ao cá” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình.
Ngày 13/1/1986 với sự hỗ trợ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội làm vườn Việt Nam đã diễn ra tại trụ sở của Mặt trận và bầu ông Nghiêm Xuân Yêm làm Chủ tịch Hội.
Một Đảng viên Cộng sản
Sau khi Đảng Dân chủ giải thể, ông gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam và sinh hoạt tại đảng bộ Mặt trận Trung ương.
Được sinh hoạt cùng ông suốt 20 năm trong Mặt trận Trung ương và 13 năm trong cùng đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam, những cán bộ Mặt trận lâu năm có chung nhận xét: Đó là một trí thức yêu nước, cả đời gắn bó với cách mạng, với dân tộc, với nhân dân, đặc biệt là với nông dân. Một vị lãnh đạo nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều một tấm gương sáng về “cần, kiệm, liêm, chính” để mọi cán bộ Mặt trận thời đó soi chung.
Với những đóng góp to lớn của ông cho cách mạng, cho dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng:
* Huân chương Sao vàng
* Huân chương Hồ Chí Minh
* Huân chương kháng chiến hạng Nhất
* Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
* Huy chương “Vì sự nghiệp Đại Đoàn Kết toàn dân”
* Truy tặng Huân chương Đại đoàn kết.