Giấy phép con - nút thắt cải cách

H.Hương 05/08/2017 10:10

Theo thống kê, hiện còn 5.719 thủ tục hành chính, giấy phép của các bộ ngành khiến thời gian, chi phí thông quan hàng hoá lớn, gây khó cho doanh nghiệp (DN). Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thật sự thông thoáng như mong muốn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì đó là “mê hồn trận giấy phép kinh doanh”.

Tranh minh họa.

Dù đã có những cải tiến mạnh mẽ trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại thủ tục kinh doanh nhưng DN vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Đây cũng được coi là một trong những “nút thắt” trong cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Trong khi hiện nay, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 72%, làm tăng chi phí kinh doanh của DN.

Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội chỉ rõ, hiện nay, DN phải đến 3 - 5 đầu mối hồ sơ chuẩn bị như nhau, thủ tục như nhau nên mất nhiều thời gian. Do vậy, các thủ tục về cấp giấy chứng nhận, chứng nhận C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ), chỉ giao về một đầu mối là hải quan, là nơi nhận các thủ tục để giải quyết cho DN.

Không những than phiền về giấy phép, DN còn phản ánh chi phí đầu vào khá cao khi hạ tầng, logistic còn yếu kém. Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… Trong bối cảnh hội nhập, DN Việt khó lớn vì nặng gánh chi phí “ngoài luồng”.

Ông Trần Hữu Huỳnh- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (trong 7 tháng đầu năm tổng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn: 1.887; tổng số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể: 3.810; tổng số DN hoàn tất thủ tục giải thể: 1.165. Điều này cho thấy số DN khai tử khá nhiều. Từ đây cho thấy, hiệu quả hoạt động của DN cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Cách đây 1 năm, Chính phủ đã rà soát hàng nghìn điều kiện kinh doanh, đến nay kết quả vẫn cho thấy cần phải loại bỏ bớt điều kiện kinh doanh nữa. Rất nhiều lĩnh vực khác đang bị đặt thêm điều kiện, mà lẽ ra, các Bộ, ngành có thể quản lý bằng biện pháp khác.

Và để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ ký quyết định, yêu cầu cac cơ quan ngang bộ căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP, quán triệt tinh thần tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khẩn trương rà soát, kiến nghị bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III-2017…

H.Hương