Nhức nhối nạn xây nhà sai phép, không phép
Theo ông Lý Thanh Long - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, trong 7 tháng năm 2017, Thanh tra Sở đã kiểm tra tại 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm, tăng 216 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xây dựng không phép chiếm 49,7%.
Nhiều quy hoạch “treo” 20 năm gây lãng phí trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đang rất bức thiết. Cùng với đó là sự yếu kém của cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng đã khiến tình hình xây dựng sái phép, không phép diễn ra phổ biến, gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Đây là thực trạng được đưa ra mổ xẻ và tìm giải pháp xử lý tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự xây dựng 7 tháng năm 2017 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do UBND TP tổ chức, ngày 5/8.
Theo ông Lý Thanh Long- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, trong 7 tháng năm 2017, Thanh tra Sở đã kiểm tra tại 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm, tăng 216 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xây dựng không phép chiếm 49,7%, tập trung nhiều nhất ở huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 9, huyện Cần Giờ và quận 12.
Về xây dựng sai phép, trên địa bàn thành phố xảy ra 599 trường hợp; trong đó xây dựng sai phép trong dự án quy hoạch chi tiết 1/500 có 195 trường hợp, huyện Hóc Môn dẫn đầu với 119 trường hợp, tiếp theo là quận 9 với 71 trường hợp, quận 7 với 64 trường hợp….
Cũng trong thời gian này, Sở Xây dựng đã ban hành kỷ luật 5 trường hợp Thanh tra địa bàn, phê bình rút kinh nghiệm 28 trường hợp và đang xem xét kỷ luật 49 trường hợp.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND quận 9 thì chiếm đến 50% trường hợp vi phạm xây dựng là người nhập cư, còn lại là các hộ nghèo ở trong khu quy hoạch quá lâu. “Họ bỏ ra từ 200-300 triệu đồng để mua đất giấy tay với nhu cầu bức thiết cất nhà để ở nhưng không được giải quyết nên rất bức xúc và làm liều”- ông Tuấn Anh nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng: Quy hoạch đô thị thành phố đang có vấn đề, cần phải tính toán lại, nếu không xác định được cơ cấu kinh tế mà làm quy hoạch thì sẽ dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch. Đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ, chậm nhất cuối tháng 10 các quận huyện phải xây dựng xong dịch vụ trực tuyến cấp phép xây dựng, tạo thuận tiện cho người dân.
“Hiện thủ tục cấp phép xây dựng còn phiền hà, gây khó khăn nên sinh ra tiêu cực. Cán bộ quản lý trật tự xây dựng tiếp tay cho việc xây dựng trái phép, không phép, thậm chí có không ít cán bộ có tâm lý “cố đấm ăn xôi”, nhận tiền, sẵn sàng nghỉ việc. Vì thế phải xem lại cơ chế quản lý cán bộ hiện nay, kể cả việc kiểm soát, răn đe và xử lý đối tượng chủ thi công, nhất là tại các công trình nhà ở riêng lẻ vì đây là bộ phận hiểu rõ nhất nhưng lại tư vấn cho chủ đầu tư xây sai phép, không phép”- ông Tuyến nhấn mạnh.