Vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực

M.Loan 06/08/2017 21:31

Ngày 6/8, tại Manila (Philippines) tiếp tục diễn ra loạt các phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM50).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các nhà lãnh đạo dự tọa đàm về sáng kiến đầu tư cho phụ nữ.

Đó là các phiên họp giữa ASEAN và 10 nước đối tác (ASEAN+1), gồm: ASEAN với Canada, Hàn Quốc, Australia, Nga, Trung Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu - EU. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự.

Đáng chú ý, trong Hội nghị ASEAN- Trung Quốc diễn ra ngày 6/8, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Sau khi được các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc thông qua, văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới.

Việc thông qua dự thảo khung COC được cho là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực.

Trong cuộc họp, hai bên cũng thông qua Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm ASEAN- Trung Quốc, nhằm đánh giá các báo cáo về việc thực hiện Kế hoạch hành động với các Đối tác đối thoại.

Trước đó, trong phiên họp toàn thể ngay sau khi khai mạc AMM 50, đề cập tới Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; các nước cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột.

Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thoả đáng về Biển Đông, một mặt là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực; mặt khác chính là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thực hiện đầy đủ DOC, đồng thời đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.

Cũng trong khuôn khổ AMM lần thứ 50, sáng 6/8, đã diễn ra cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước Canada, Hàn Quốc, New Zealand và Australia.

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với mỗi đối tác đối thoại là nhằm xem xét các bước tiến trong mối quan hệ song phương, bao gồm việc thực hiện Kế hoạch hành động theo 3 trụ cột của ASEAN, mở đường cho việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Các nước đối tác cũng khẳng định tiếp tục sự ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đồng thời cam kết thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hiệu quả trong thời gian tới.

Đoàn Việt Nam Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu với vai trò là nước điều phối Quan hệ ASEAN-Ấn Độ, hai bên đã tích cực trao đổi thống nhất các nội dung và văn kiện cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thành lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Ấn Độ tháng 1/2018, thúc đẩy các dự án hợp tác quan trọng cũng như xác định lộ trình ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) thành lập Trung tâm ASEAN-Ấn Độ.

Cũng trong sáng ngày 6/8, tại Philippines, trước khi bước vào ngày họp thứ 2 của Hội nghị Bộ trưởng giữa ASEAN và các đối tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự Tọa đàm về sáng kiến đầu tư cho phụ nữ do Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop chủ trì. Cùng dự có Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và đại diện doanh nhân phụ nữ tiêu biểu của Australia và một số nước ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao vai trò tiên phong của Chính phủ Australia trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ tại khu vực; khẳng định Chính phủ Việt Nam coi trọng và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh hỗ trợ sự tham gia và nâng cao vai trò của phụ nữ tại các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ không chỉ là phương cách hữu hiệu nhằm tăng quyền cho phụ nữ trong điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam, mà còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của MSMEs, đóng góp vào phát triển và thịnh vượng chung của các quốc gia.

M.Loan