Chuyện của một nhà khoa học yêu nước

Trần Ngọc Kha 07/08/2017 09:05

Không chỉ nổi tiếng là một nhà toán học, được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, Giáo sư toán học Hoàng Tụy còn có một biệt danh nổi tiếng khác, đó là người ham can dự vào các vấn đề quốc gia đại sự.

GS Hoàng Tụy.

Vào cuối những năm 60, đầu 70 của thế kỷ trước, Trung ương Đảng đặt ra vấn đề các Ủy viên Trung ương phải nhận nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo công tác khoa học - kỹ thuật.

Hàng tuần, Trung ương thường tổ chức những buổi sinh hoạt có mời các nhà khoa học đến dự, trình bày các vấn đề về khoa học - kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước.

Ngay từ hồi đó, ông Hoàng Tụy khi được đăng đàn đã đề cấp đến sự bất hợp lý về cơ chế giá - lương - tiền. Theo ông, nó bất hợp lý ở chỗ không phản ánh đúng thực tế, không theo cơ chế thị trường mà lại do chủ quan những người quản lý điều hành, tức mang nặng tính quan liêu bao cấp.

Trong giai đoạn đó, quan điểm của ông đã va phải không ít ý kiến phản ứng khá gay gắt của một số người đương chức trong bộ máy quản lý.

Họ cho rằng ông Tụy có tư tưởng “xét lại”. Ông liền hệ thống tất cả những điều đã trình bày nói trên thành một bài báo, đăng trên báo Tin tức hoạt động khoa học của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Một tuần sau khi bài báo được đăng, ông nhận được điện thoại của Văn phòng Tổng Bí thư truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Lê Duẩn mời ông và một số nhà khoa học khác về họp tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Trong cuộc họp, nhìn thấy Tổng Bí thư có mang theo bài viết của mình trong đó, có những gạch đen, gạch đỏ chi chít, ông Hoàng Tụy hơi “ngại”.

“Nếu Tổng Bí thư cũng nghe theo mấy vị Bộ trưởng kia mà cho rằng tôi có tư tưởng xét lại thì nguy, nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn lại phát biểu: Tuy còn một số vấn đề cần thảo luận, nhưng về cơ bản, tôi đồng ý với quan điểm của bài báo”, GS Hoàng Tuỵ nhẹ nhõm kể lại.

Đến những năm 1997-1998, ông lại tiếp tục kiến nghị Đảng và Nhà nước về cải cách tiền lương. Theo ông, mức lương chúng ta hiện rất thấp và đó là một trong những nguyên nhân chính sinh ra tiêu cực.

“Đó không phải là do chúng ta nghèo. Trên thực tế, đại bộ phận công chức có sống bằng mức lương thuần túy đâu mà ngược lại, bằng rất nhiều cách, nhiều nguồn cả bất chính, vô minh, có thu nhập cao gấp nhiều lần lương” - ông khẳng định. Đề xuất của ông một lần nữa lại được những người giữ cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước ghi nhận, thực hiện.

Giáo sư Hoàng Tụy là người yêu khoa học đến cháy bỏng. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I mà ông vinh dự được nhận là do những đóng góp của ông trong lĩnh vực toán tối ưu toàn cục.

Vào những năm 1960 ấy, kết quả nghiên cứu này của ông được các nước tiên tiến trên thế giới đặc biệt quan tâm. Họ áp dụng nhanh chóng công trình nghiên cứu của ông và thu được kết quả rất đáng kể trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, do một số lý do khách quan, chủ quan, kết quả nghiên cứu của ông Hoàng Tụy vẫn chưa thực sự được phát huy hiệu quả. Ông đề xuất với Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thành lập một trung tâm đào tạo toán ứng dụng, trong đó có toán tối ưu cho lớp trẻ.

Không chỉ là một nhà khoa học nổi tiếng hay nhà quản lý thuần túy (10 năm làm Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam), Giáo sư toán học Hoàng Tụy trước hết là một công dân yêu nước. Ông tham gia rất tích cực vào những vấn đề, những sự kiện lớn mang tính quốc gia đại sự.

Điều quan trọng là vấn đề nào ông tham dự cũng đều nhận được sự lắng nghe và tiếp thu từ những người lãnh đạo cấp cao của đất nước.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927 ở làng Xuân Đài (nay là Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam) trong một gia đình nghèo của một dòng họ giàu truyền thống nho học và yêu nước - dòng họ đã sinh ra Hoàng Diệu, vị Tổng đốc đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ năm 1882. Nhà ông đông anh em và đều được học hành tử tế nhưng không một ai chấp nhận ra làm việc cho Pháp mà chỉ đi dạy học tư.

Trần Ngọc Kha