Phát huy lợi thế vùng sông nước
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khu vực trù phú nhưng cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, cũng như thực tế đã và đang diễn ra sự dịch cư lớn. Phát huy lợi thế của ĐBSCL không chỉ vì khu vực này mà là vì cả nước.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với vùng sông nước. Việc phát triển vùng theo kịch bản chấp nhận dịch cư ra khỏi vùng cần được cân nhắc thận trọng nếu không sẽ tạo ra những vấn đề bất ổn về an sinh xã hội.
Quy hoạch vùng ĐBSCL cần phát huy lợi thế đường thủy.
Chiến lược lâu bền
Để tạo điều kiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế và những cơ hội trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trên tinh thần này, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với tư vấn nước ngoài là Công ty tư vấn R.U.A (Mỹ) nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL.
Nhận định về bản đồ án quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL được điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh – Chủ tịch Hội đồng thẩm định khẳng định, Đồ án được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có nhiều ý tưởng mới được xây dựng trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển.
Bà Linh cho rằng, Đồ án đã nêu được những lợi thế của vùng trong việc kết nối mạng lưới đường bộ, đường thủy trong tiểu vùng sông Mekong và kết nối hàng hải quốc tế, nhất là khi kênh đào Kra (Thái Lan) được xây dựng.
Xu thế phát triển liên kết vùng nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các vùng kinh tế trên bình diện quốc tế hiện đang tạo ra những chú ý.
Đồ án đã đánh giá đầy đủ và toàn diện về điều kiện tự nhiên hiện trạng; làm rõ thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho mục đích phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn… giai đoạn từ năm 2009 đến nay.
Không gian vùng, cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái, rừng ngập mặn, rừng ngập nước, thiên nhiên, vườn quốc gia được bảo tồn… của vùng ĐBSCL sẽ được phát huy lợi thế thêm bước nữa.
Việc phát huy, tạo điểm nhấn này sẽ mở thêm cơ hội du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lịch sử ở tầm quốc gia của ĐBSCL lên tầm cỡ quốc tế.
Cùng với đó, các tổ hợp từ sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chuyên canh, nuôi trồng thủy sản… sẽ dần hình thành.
Du khách tận hưởng những giờ phút thư thái trên kênh rạch ĐBSCL.
Cẩn trọng với dịch cư
Theo ông Nguyễn Việt Thắng – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Kỹ thuật – Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, theo quy hoạch cũ trước đây lựa chọn tập trung tăng cường với vùng đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và đối trọng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tuy nhiên, điều này lại không khả thi với điều kiện của ĐBSCL vì các dự báo trước đây không sát thực tế.
Cũng theo ông Thắng, quy hoạch trước đây dự báo đô thị vùng này đến năm 2017 là 7,5 triệu người nhưng đến nay con số chưa đến 5 triệu.
Dự báo công nghiệp lên tới 20.000 – 30.000 ha nhưng hiện nay cả vùng chỉ có 17.000 ha; trong đó có khoảng 7.000- 8.000 ha đã được xây dựng hạ tầng và chỉ có khoảng 4.000 ha đã đi vào hoạt động.
Khu vực dự kiến đô thị hóa rất lớn mà không phát huy được sẽ gây lãng phí lớn. Bởi vậy, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL là cấp thiết.
Đánh giá về Đồ án mới, Đại điện cho đơn vị tư vấn RUA – GS.TS. Bruno De Meulder của trường Đại học K.U. Leuven (Bỉ) cho hay, đồ án chọn hướng chia thành 6 khu vực nông nghiệp sinh thái để làm nổi bản sắc của vùng ĐBSCL, tạo ra tiềm năng phát triển và nhất là tận dụng được tối đa món quà mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Các vùng sinh thái nông nghiệp là cơ sở để phân vùng khai thác phát triển kinh tế và tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; không đi theo hướng phát triển hành lang đô thị mà lựa chọn phát triển đô thị gắn liền với sinh thái.
“Đặc biệt, khu vực này nên tận dụng lợi thế sông nước để phát triển các tuyến giao thông thủy, thay vì đầu tư quá nhiều cho các dự án cao tốc đường bộ lớn”, GS.TS. Bruno De Meulder nhấn mạnh.
Theo nhận định của ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, tác động từ biến đổi khí hậu đến nhanh hơn cả dự báo nên việc điều chỉnh lại quy hoạch là rất cần thiết.
Mặc dù đánh giá cao đồ án được điều chỉnh lần này đã phân tích kỹ hiện trạng thực tế để có các phương án phù hợp. Ông Chính cũng cho rằng, việc phát triển vùng theo kịch bản đang chấp nhận cư dân dịch cư ra khỏi vùng, trong khi đó, đang có dòng dịch cư lớn ra khỏi vùng ĐBSCL mà chủ yếu là về TP Hồ Chí Minh – nơi có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao hơn.
“Người dịch cư đều trong độ tuổi lao động nên sẽ tạo ra những vấn đề bất ổn cần tính toán” – ông Chính nhấn mạnh.
Vùng ĐBSCL có ranh giới gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng khoảng 40.604 km2 với trên 700 km bờ biển và khoảng 330 km đường biên giới Việt Nam – Campuchia. Với dân số 17,5 triệu người, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% số lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Namvà 70% sản lượng trái cây cả nước. |