Nâng lương để cải thiện cuộc sống của người lao động
Hôm nay (ngày 7/8), dự kiến Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên họp thứ ba và sẽ chốt mức lương tối thiểu vùng năm 2018.
Cuộc họp năm nay được đánh giá là ít “nóng” và kém gay cấn hơn mọi năm vì phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có bước lùi khá lớn dừng lại ở mức đề xuất tăng 8%. Dù vậy về phía giới chủ vẫn cho rằng con số này khá cao so với “sức khỏe” của doanh nghiệp và nếu mức đề xuất trên được chấp thuận, người lao động (NLĐ) sẽ có mức sống trung lưu.
Người lao động vẫn chưa có được mức sống tối thiểu.
Mức sống trung lưu và bữa cơm giá 10k
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng, dù đại diện NLĐ đã có bước lùi khá lớn từ 13,3% xuống còn 8%, song bước lùi này vẫn chưa được giới chủ hài lòng.
Đại diện giới chủ sử dụng lao động cho rằng, với mức đề xuất tăng như vậy NLĐ vùng 1 đạt 4,2 triệu/tháng. Với mức thu nhập này NLĐ liệu sẽ có cuộc sống trung lưu(?.)
Chị Lê Thị Hiền đang là công nhân Cty điện tử Pocons Vina, KCN Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Công ty chị thuộc đối tượng áp dụng LTT vùng 2, ở mức 3.320.000 đồng.
Chị cho biết, tổng thu nhập của chị, nếu không làm thêm thì chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng; nếu có làm thêm thì tăng thêm được 1-2 triệu đồng.
Với mức thu nhập này chị Hiền cho biết, với mức thu nhập như trên, về cơ bản, gia đình chị kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó, cả năm hiếm khi dành dụm được đồng nào.
Mỗi tháng, anh chị phải tốn hơn 3 triệu đồng tiền ăn uống; riêng tiền nuôi hai đứa con (một đứa 7 tuổi, một đứa 3 tuổi) phải lên tới 5-7 triệu đồng. Tiền nhà trọ, tiền điện nước cộng vào vừa vặn số thu nhập hai vợ chồng có được.
Chia sẻ về mức sống của gia đình, chị Thu Hạnh quê Vĩnh Phúc đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long tâm sự: Cả hai vợ chồng làm tăng ca hết công suất thu nhập được 12 triệu/tháng. Số tiền này 2,5 triệu thuê nhà, điện nước, tiền học cho 2 đứa con 5 triệu, số còn để trang trải ăn uống chi tiêu hàng ngày.
“Trừ các khoản thì hàng tháng còn 5,5 triệu đồng, nhưng tôi cũng chỉ dám dành ra 2,4 triệu đồng cho tiền ăn cho cả gia đình trong một tháng, số ít ỏi còn lại tiết kiệm lỡ có ốm đau còn có mà lo”- chị Hạnh chia sẻ.
Hơn 3 triệu đồng, 2,4 triệu đồng là số tiền ăn mỗi tháng của gia đình chị Hiền, Hạnh cho 4 người. Với mức chi tiêu ăn hàng tháng như trên tính ra mỗi bữa cơm gia đình của chị Hạnh, chị Hiền có giá từ 10 ngàn đến 15 ngàn đồng/suất.
Nhiều người có thể hồ nghi về câu chuyện trên, nhưng thực tế khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra rằng, hiện nay cuộc sống của NLĐ vô cùng khó khăn, chỉ có 51,3% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% NLĐ là có thể có tích lũy từ thu nhập.
54,1% cuộc đình công liên quan đến lương thấp
Đây là kết quả của cuộc khảo sát về tiền lương, đời sống của NLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong các tháng đầu năm 2017.
Theo ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp đã xảy ra nhiều cuộc đình công, đơn cử như ngành dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).
Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết các khoản thu nhập NLĐ phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của NLĐ rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.
Cụ thể, có tới 816 hộ gia đình 2 vợ chồng là công nhân, có 2 người ăn theo, trung bình một tháng chi tiêu hết 9.038.000 đồng (tức là mỗi NLĐ nuôi một người thì mức chi tiêu hết 4.519.000 đồng, trong lúc đó thu nhập trung bình của người lao động nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng).
Theo nhiều chuyên gia lao động, tính từ năm 2014 đến hết năm 2016, Việt Nam có mức tăng lương tối thiểu cao nhất khu vực với gần 14% (trong khi đó Indonesia là 7% và Trung Quốc là 10%) song NLĐ vẫn không đủ sống.
Nguyên nhân là do hiện mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mỗi khi lương tối thiểu tăng thì kéo theo đó hàng loạt các dịch vụ đi kèm tăng theo. Trong đó ở một số doanh nghiệp còn xảy ra tình trạng lương tối thiểu tuy tăng nhưng thu nhập của NLĐ bị giảm đi.
“Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho NLĐ đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Luật có hiệu quả thực thi, Điều 91 vẫn chưa được hiện thực hóa vì tiền lương tối thiểu mới đáp ứng được trên 90% nhu cầu sống tối thiểu”- ông Lê Đình Quảng- Phó ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.