Quy trình rườm rà, người có công chậm được hưởng chính sách
Ngày 6-8, tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” chủ đề Chính sách chăm lo người có công với cách mạng - Trách nhiệm và nghĩa tình, nhiều ý kiến cho hay, mặc dù TP HCM chăm sóc tốt cho hộ gia đình chính sách, tuy nhiên vẫn nhiều trường hợp người có công chưa được giải quyết với nhiều lý do khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu thăm hỏi người có công ở huyện Nhà Bè (TP HCM) Nguồn: SGGP.org.vn.
Ông Dương Văn Tần, ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết: “Tôi tham gia chiến tranh biên giới từ năm 1982 - 1987.
Năm 2013, tôi làm thủ tục để được hưởng chính sách chăm lo cho người có công nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được công nhận. Tôi phải nhờ đồng đội và đơn vị cũ xác nhận cho”.
Tương tự, một cựu chiến binh chia sẻ: “Làm nhiệm vụ ở chiến trường biên giới Campuchia từ năm1983 - 1986. Phục viên về tiếp tục làm việc công ty nông sản 3.
Sau đó có nghe quận Thủ Đức phổ biến chính sách để làm hồ sơ hưởng chế độ chăm sóc đối với người có công. Tuy nhiên, khi tôi thực hiện làm hồ sơ thì công ty đã giải thể nên thiếu thông tin.
Tôi rất mong các cấp xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng để tôi được hưởng chế theo Quyết định 62 của Chính phủ”. Không riêng gì hai trường hợp nêu trên, hiện trên địa bàn TPHCM còn tồn đọng nhiều hồ sơ liên quan đến chính sách chăm lo người có công.
Liên quan đến việc làm hồ sơ chính sách đối với những người có công trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Cường- Phó Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, năm 2017 quận 9 còn tồn 13 hồ sơ công nhận hồ sơ liệt sĩ.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin xác nhận tham gia cách mạng của những người có công. Mong muốn hoàn thành tốt các hồ sơ tồn đọng quận 9 chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội tập trung rà soát, hỗ trợ gia đình tìm thông tin hoàn tất thủ tục.
Đại diện quận Thủ Đức cũng thông tin, trước những hồ sơ còn tồn đọng chính quyền địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng hoàn tất hồ sơ. “Còn tồn đọng hồ sơ thì con của liệt sĩ không chừng bị thất học.
Thất học là tai họa lớn nhất trong đời. Phải rà soát lại xem hiện bây giờ thành phố còn bao nhiêu hồ sơ chưa được giải quyết, bao nhiêu con liệt sĩ chưa được hưởng chính sách học hành”- ông Huỳnh Văn Cang, nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH quan ngại.
Nói về nguyên nhân tồn đọng hồ sơ nêu trên ông Lê Minh Tấn- Giám đốc Sở LĐTBXH nhấn mạnh, hồ sơ giải quyết không kịp khác với hồ sơ tồn đọng.
Nếu có tồn đọng thì chủ yếu là do giải quyết chưa xong, do chính sách cũ không còn phù hợp, không còn giấy tờ liên quan…
Trước những tồn đọng của việc thực hiện chính sách đối với người có công, bà Trần Hải Yến-Phó Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP HCM cho rằng, thành phố cần cơ chế hỗ trợ đối với người có công với cách mạng.
Hồ sơ mà chậm giải quyết một ngày do giấy tờ hư hỏng hay, không có người xác nhận là có lỗi với thân nhân của liệt sĩ, thương binh.
Có lẽ các ban ngành phải cùng đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới. “Cần rà soát lại các trường hợp khác tránh tình trạng chủ quan, sót hồ sơ.
Điều đặc biệt, không nên giới hạn thời gian hoàn tất hồ sơ, thủ tục vì giới hạn thì chắc chắn bị bỏ sót”-bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị.
TP HCM hiện có trên 271.000 người có công với cách mạng; đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 2.976 mẹ, nâng tổng số Mẹ VNAH hùng toàn thành phố lên 5.184 Mẹ; tiếp tục công nhận và giải quyết cho 1.339 người hưởng trợ cấp, người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hi sinh, từ trần…
Bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, ngay đầu năm 2017 thành phố kiên quyết thực hiện các hồ sơ tồn đọng nên đến thời điểm này đã giải quyết hơn 6200 hồ sơ.
Hồ sơ tồn đọng khác với hồ sơ chưa giải quyết. Những hồ sơ về đến Sở LĐTBXH thành phố sẽ thực hiện được như quận 9 thực hiện tổ chức theo dõi từng hồ sơ.
“Đến thời điểm này không còn hồ sơ tồn đọng, tuy nhiên hôm nay thấy nhiều hồ sơ chưa được giải quyết vì chưa làm đúng. Rõ ràng bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều vướng mắc vì quy trình giải quyết còn rờm rà, bất cập. Thành phố đang kiến nghị xem xét để điều chỉnh”- bà Thu cho biết.
Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Thu, ngoài những nguyên nhân khách quan, về mặt chủ quan còn một số bộ phận đảng viên chưa thực hiện đúng với tinh thành trách nhiệm của mình đối với công tác chăm lo người có công.
Công tác chăm lo cho người có công chưa được các quận/huyện phối hợp đúng thời điểm, phối hợp giữa quận/huyện chưa nhanh, chưa đúng thời điểm.
Không chỉ quan tâm hoàn thiện các hồ sơ hưởng chính sách theo quyết định 62, việc xây dựng nhà tình nghĩa cũng chưa được thực hiện dứt điểm. Bà Triệu Lệ Khánh- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết, MTTQ thành phố đề ra nhiều giải pháp thiết thực cho việc thực hiện chính sách với người có công, phụng dưỡng 500 ngàn đồng sau đó là 1 triệu đồng. Mặt trận còn phát động chăm lo hỗ trợ thương binh nặng 94 thương binh nặng và đặc biệt nặng. Theo đó, hỗ trợ 1 triệu đồng với thương binh nặng và 2 triệu với thương binh đặc biệt nặng. Thường xuyên phân công cán bộ đến chăm lo, chia sẻ đối với hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện không còn nhà tình nghĩa, tình thương nhưng hiện nay tiến độ thực hiện vẫn còn dang dở. Thành phố đang thực hiện 250 trường hợp và còn một số trường hợp chưa được thực hiện. |