Hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững
Với nhiều nguồn vốn ưu đãi, TP Hồ Chí Minh đang giúp các hộ nông dân nghèo và cận nghèo có thêm điều kiện để sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn đang được bà con nông dân áp dụng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng gia đình...
Gia đình ông Nguyễn Viết Vương ở phường Hiệp Thành (quận 12) thoát nghèo nhờ mô hình trồng rau sạch.
Với nguồn vốn vay ưu đãi 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Võ Văn Lê ở ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn mua được hai con bò sinh sản. Qua bốn năm, ông Lê đã trả hết nợ.
Từ một hộ cận nghèo, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Đàn bò của gia đình ông Lê hiện đã tăng lên thành sáu con với trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Cũng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, bà Trần Thị Phải ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, đầu tư sản xuất rau mầm tại nhà với diện tích 50 m2.
Sau 5 năm miệt mài lao động, đến nay gia đình bà Phải đã hình thành một cơ sở sản xuất rau mầm 200 m2 với hệ thống nhà lưới, phòng thu hoạch, sơ chế đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Năm vừa rồi, cơ sở cung cấp cho thị trường gần 18 tấn rau mầm với doanh thu 700 triệu đồng. Nhìn cơ ngơi này, ít ai biết được cách đây chỉ 5 năm, gia đình bà Phải còn là hộ cận nghèo.
Bà Trần Thị Phải cho biết: “Tôi mong muốn được tăng thêm vốn vay giúp mở rộng sản xuất cũng như đầu tư các phương tiện chế biến để sản phẩm của mình đạt giá trị cao nhất. Đồng vốn hạn hẹp thì không thể làm được”.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều hộ nông dân của thành phố đã vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.
Tại các xã nông thôn của TP HCM đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp nông dân thoát nghèo trong điều kiện nguồn vốn đầu tư sản xuất vài chục triệu đồng như: Mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi cá cảnh, trồng rau mầm, trồng rau an toàn, sản xuất mây tre lá, buôn bán nhỏ.
Ở các quận vùng ven và năm huyện ngoại thành, chính quyền mỗi địa phương đều có định hướng cụ thể và phân công nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo cho từng ban, ngành, đoàn thể.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “Nâng cao thu nhập cho các hộ dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Trong các giải pháp, chúng tôi có chú ý chuyển lao động nông nghiệp sang lao động tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Huyện tập trung khai thác triệt để lợi thế của các xã ở khu vực phía đông để phát triển trở thành các nhà vườn sinh thái, du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước”.
5 năm qua, TP HCM đã hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng cho hơn 90.000 lượt hộ nông dân vay để sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn này, hàng nghìn nông dân của thành phố đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả.
Hiện nay, toàn thành phố đã thành lập được 83 Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hoạt động có hiệu quả trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nông dân về giống, vốn và thị trường tiêu thụ nông sản…
Để giúp bà con nông dân giảm nghèo bền vững, UBND thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực của các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế theo phương châm “phát huy sức dân để chăm lo cho dân”.
Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết: “Ngoài việc tăng cường phối hợp để hỗ trợ nông dân về vốn, về dạy nghề cũng như tìm kiếm thị trường, một vấn đề khác là phải vận động bà con đẩy mạnh liên kết để sản xuất có hiệu quả”.
Hội Nông dân TP HCM cũng đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại bằng cách tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Những hỗ trợ thiết thực của các ban, ngành, địa phương đang giúp người nông dân của thành phố có thêm điều kiện mở rộng sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng…